Không khí đón Tết của người Việt trên đất Mỹ
Những ngày này ở Mỹ, không khí chuẩn bị đón Tết của bà con kiều bào, du học sinh người Việt đang khá nhộn nhịp.
Sự chênh lệch về múi giờ, cũng như địa lý, giờ phút giao thời giữa năm mới và năm cũ của Việt kiều trên đất Mỹ thời khắc ấy lại diễn ra vào buổi trưa.
Không khí lúc này hơi se lạnh một chút nhưng để chuẩn bị chào đón năm mới theo lễ nghi của người Việt thì vẫn sôi nổi, tấp nập chẳng kém không khí tại quê nhà.
Tại một số nơi trên đất Mỹ như ở Los Angeles, California không khí Tết đã bắt đầu nhộn nhịp. Tại khu thương mại Phước Lộc Thọ nằm trên đại lộ Bolsa ở Little Saigon – một khu hội chợ đã được kiều bào ta tổ chức khá hoành tráng và quy củ, mang đậm nét văn hóa cổ truyền của người Việt từ một tuần trước.
Ở đó những sản phẩm mang đậm nét văn hóa chợ quê từ lá dong, giò lụa, chuối xanh, nón… đến cành đào, cây mai, cây kiểng… đều được bày bán. Ngoài ra, hội chợ còn tổ chức các chương trình ca nhạc, triển lãm, múa lân, sư tử, rồng, và các cuộc thi áo dài, thi nón lá…
Hai địa phương lớn được đánh giá tổ chức Tết lớn nhất của kiều bào Việt trên đất Mỹ là thành phố San Jose và quận Cam thuộc California với đủ mọi hoạt động vui chơi, giải trí như thi hoa hậu, thi đấu thể thao, diễu hành tại các đường phố chính, ca nhạc…
Đây cũng là hai địa phương mà mỗi khi nhắc đến bất cứ kiều bào nào ở trên đất Mỹ cũng có cảm nghĩ rằng là địa phương được kiều bào tổ chức Tết cũng như gìn giữ nhiều loại hình nghệ thuật đặc sắc từ quê nhà mang sang.
“Tuy đã sinh sống trên đất nước này hơn chục năm rồi, nhưng cứ dịp Tết ta, chúng tôi vẫn thấy ấm lòng bởi nơi đây chúng tôi có cảm giác như vẫn ở quê nhà” – Tony Hoàng, chàng trai gốc Việt tâm sự.
Tại thành phố San Francisco, năm nào Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại đây cũng chăm lo cho bà con kiều bào ăn tết cổ truyền rất chu đáo.
Ngoài cành đào, mai vàng, nón quai thao và các vật dụng mang đậm dấu ấn của tết Việt, Ban tổ chức còn mời các đoàn nghệ thuật từ trong nước sang biểu diễn để phục vụ bà con cũng như quảng bá hình ảnh, phong tục của đất nước, con người Việt Nam.
Không chỉ có những bà con ở vùng lân cận San Francisco như San Jose, Sacramento, Oakland, Texas, Florida mà còn nhiều người ở tận San Diego, Los Angeles cũng tới tham dự.
“Mặc dù đã sang đây hơn mười năm rồi, nhưng năm nào tôi cũng đưa gia đình về đây tham dự. Cũng vơi đi bớt phần nào nỗi nhớ quê hương trong những ngày này” – Anh Tony Hoàng đang sinh sống ở bang Texas tâm sự.
Mất hơn một tiếng mới đến được Kansas City, Lê Hải cũng thấy ấm lòng hơn khi nhìn thấy những tấm bánh chưng, đòn bánh tét xếp đầy trong rổ của mấy siêu thị Việt. Tết năm nay sẽ ấm cúng hơn với hương vị quê nhà.
“Ở Lawrence, Kansas này người Việt hơi ít nên mọi thứ đều thiếu. Chúng em phải đi xa mới mua được. Dù sao cũng vơi đi nỗi nhớ quê nhà anh ạ” – Hải tâm sự.
Như hàng nghìn lưu học sinh Việt Nam khác, Hải cũng không có cái may mắn được trường cho nghỉ ngày nào do Tết không phải là ngày lễ của nước Mỹ. Hải vẫn phải làm bài tập, bài trợ giảng như thường lệ. Đã hai năm sống trên đất Mỹ rồi, nên Hải cũng đã hòa nhập được nơi đây.
Đung đưa, ngắm nghía chiếc cặp bánh chưng trên tay, Hải thổ lộ: “Chúng em lên kế hoạch đón Tết cùng nhau, làm món ăn Việt và tụ tập ăn uống”.
Cũng bởi không phải là nơi nhiều người Việt sinh sống nên sự thiếu thốn về nguyên vật liệu cho các món là khá nhiều, như cặp bánh chưng mà Hải vừa mua chẳng hạn. Bánh được gói bằng lá chuối, chứ không phải là bằng lá dong nên cái hương vị thơm và xanh cũng vơi đi phần nào.
Giò được bọc bằng nilon hoặc giấc bạc. Những lát măng khô đóng trong túi nhỏ để dành nấu miến gà. Lựa chọn không nhiều, nhưng cũng đủ giúp cho những người xa quê như Hải thấy ấm lòng.
Một chiếc bánh chưng giá tới 10USD không hề rẻ đối với cuộc sống của những người như Hải. Nhưng 10 USD đó có giá trị riêng của nó, bởi mang đến cho họ hương vị quê hương, khỏa lấp đi nỗi mong nhớ gia đình và người thân.
“Xung quanh chẳng có không khí gì cả, thời tiết có năm xuống tới -20 độ, nên tết có lẽ là lúc mình dễ thấy cô đơn nhất” – Hải nhớ lại cái tết đầu tiên ăn ở xứ người.
Ở những vùng có đông lưu học sinh Việt Nam, cái tết thường đầy đủ hơn. Tại đại học Missouri, Hội sinh viên Việt tổ chức tết với nhiều món ăn truyền thống và một màn giao thừa với các thành viên của cộng đồng sinh viên Việt.
“May mắn là trường em học có khá đông người Việt mình nên cũng vơi bớt phần nào sự nhớ nhà, nhớ tết Việt mình” – Hoàng Yến, cô sinh viên ngành kinh tế nông nghiệp nói.
Những nơi ít người Việt thì Tết đến lặng lẽ hơn nhưng với Hương, sinh viên đại học Lowa thì tự lên cho mình một kế hoạch ăn tết khá “hoành tráng”. Cô lý giải: “Nhất định phải mua bánh chưng, xôi, gà, thịt mỡ và dưa hành để còn giới thiệu với các bạn người Mỹ ở đây về Tết Việt Nam của mình mới được”.
thẻ xanh mỹ – Theo Dân trí