Bỏ học giữa chừng, sai lầm lớn nhất của sinh viên
Thẻ xanh mỹ – David Beltrán hiểu rõ ràng ích lợi của việc cố gắng theo đuổi đại học, dù gặp khó khăn tới đâu. Chàng sinh viên 22 tuổi ở Queens này, tốt nghiệp ngành báo chí tại Brooklyn College, New York, nhìn thấy quá nhiều người bạn của mình bỏ ngang đại học, để rồi chỉ có thể đi làm ở các tiệm fast food hay trong ngành xây cất. “Họ có thể sống tạm qua ngày, nhưng rõ ràng là không vui vẻ với cuộc sống của mình.”
Tuy nhiên, Beltrán cũng công nhận rằng chính cá nhân anh cũng không thể đi học đại học toàn thời gian nếu không có Pell grant và giúp đỡ tài chánh từ tiểu bang New York để phụ giúp chi phí đi học. Anh cũng nghe thấy nhiều câu chuyện của những người ra trường rồi phải vất vả trả nợ tiền học. “Tôi từng thật sự nghĩ rằng sẽ không tốt nghiệp, khó mà theo đuổi cho xong bốn năm học.”
Và nếu anh Beltrán đã bỏ ngang thì đó sẽ là một quyết định vô cùng sai lầm.
Lý do anh nghĩ tới chuyện nghỉ học cũng không có gì là lạ lùng. Chi phí đại học tăng cao là một lý do chính cản trở con đường học vấn của nhiều người trong gia đình có lợi tức thấp ở Mỹ. Quan niệm đi học đại học chưa chắc đúng vì là gánh nặng tài chánh cho một khoảng thời gian dài trong đời đang là điều được nói đến thường xuyên hơn.
Nhiều chuyên gia giáo dục nay cũng khuyên bảo học sinh tốt nghiệp trung học rằng học đại học chưa chắc là một đầu tư đúng. “Chi phí học hành là điều rất quan trọng đối với nhiều người,” theo lời Lawrence Katz, giáo sư đại học Harvard University. “Ðây cũng là điều làm họ không muốn vào đại học.”
Trong khi đó, mức tốt nghiệp đại học ở Mỹ đang tiếp tục giảm sút, theo một báo cáo của tổ chức “Organization for Economic Cooperation and Development (OECD)”, cho thấy nước Mỹ đang tụt sau các quốc gia phát triển khác.
Năm 2000, khoảng 38% người Mỹ tuổi từ 25 đến 34 có bằng từ đại học hai năm hay bốn năm, đứng hàng thứ tư trong nhóm OECD. Năm 2011, mức tốt nghiệp lên tới 43%, nhưng so với các quốc gia khác trong nhóm OECD, nước Mỹ nay tụt xuống hàng 11. Trong khi đó, mức tốt nghiệp đại học trong số dân ở tuổi từ 55 đến 64 ở Mỹ cao hơn bất cứ quốc gia kỹ nghệ nào khác, ngoại trừ Canada và Israel.
Ðiều làm người ta lo ngại nhất là nhiều người Mỹ ghi danh vào đại học nhưng cũng có rất nhiều người rơi rụng nửa chừng, sau khi đã mượn các số tiền nợ lớn và sẽ không kiếm được những việc làm lương cao để có thể trả lại số tiền nợ này.
Có hơn 70% người Mỹ đi học đại học bốn năm, đứng hàng thứ 7 trong số 23 quốc gia phát triển được OECD thu thập dữ kiện đại học. Tuy nhiên chỉ có gần 75% tốt nghiệp. Nếu tính luôn cả các đại học cộng đồng hai năm, mức tốt nghiệp giảm xuống còn 53%, chỉ hơn có Hungary.
Các dữ kiện thu thập được trong thời gian qua đã khiến cho các nhà giáo dục cố gắng truyền đạt một điều mà có thể nhiều sinh viên không biết rõ, đó là cho dù phí tổn có cao, có được bằng đại học vẫn là một quyết định tốt đẹp nhất về tài chánh mà một người trẻ có được.
Theo OECD, một bằng đại học giúp một người đàn ông Mỹ trung bình có giá trị khoảng $365,000 trong suốt cuộc đời, sau khi trừ mọi phí tổn, dù trực tiếp hay gián tiếp. Ðối với phụ nữ, vốn vẫn còn có mức lương ít hơn nam giới, con số này là $185,000.
Những người tốt nghiệp đại học ở Mỹ thường ít bị thất nghiệp hơn và kiếm nhiều tiên hơn. Theo OECD, một người Mỹ tốt nghiệp đại học bốn năm kiếm hơn người chỉ có bằng trung học khoảng 84%, trong khi người tốt nghiệp đại học cộng đồng hai năm kiếm hơn 16%.
Mỗi năm chính quyền liên bang, tiểu bang cũng như các thành phố địa phương chi khoảng hơn $9,200 cho mỗi sinh viên đại học, theo ước tính của OECD. Và họ có được số lời vào khoảng $231,000 trên mỗi người tốt nghiệp, phần lớn qua tiền thuế lợi tức thu nhiều hơn và ít phải trả tiền trợ cấp thất nghiệp hơn.
Cũng có những người khác cho rằng vấn đề không phải là có thêm người vào đại học mà là làm sao giúp các sinh viên đi hết con đường để tốt nghiệp.
Trong tinh thần đó, đang có những kêu gọi là chính phủ Mỹ nên chú trọng nhiều hơn vào giáo dục bậc trung học, chuẩn bị cho học sinh có đủ trình độ để không vấp ngã khi lên đại học.
Theo: Người Việt Online