Du học sinh Mỹ cần lưu ý gì khi lựa chọn môn học?
Du học sinh Mỹ cần lưu ý gì khi lựa chọn môn học? Khi bắt đầu học tập tại Mỹ bạn cần phải chọn môn học cho mình từ danh sách môn học của nhà trường. Vậy làm sao để lựa chọn cho mình môn học phù hợp cùng với lớp học chất lượng? Hãy tham khảo 5 bài viết dưới đây để lựa chọn môn học tại các trường Đại học Mỹ tốt hơn nhé.
5 điều du học sinh Mỹ cần lưu ý khi lựa chọn môn học tại các trường ĐH Mỹ
1. Chắc rằng bạn đăng ký đủ lớp học:
Đây là điều đầu tiên bạn cần lưu ý khi đăng ký chương trình học tại Mỹ. Là một sinh viên quốc tế, bạn phải đăng ký ít nhất 12 tín chỉ trong mỗi học kỳ để có thể đủ điều kiện duy trì tình trạng di trú của bản thân.
2. Cân nhắc các môn học tự chọn:
Môn học tự chọn là những môn học mà bạn có thể lựa chọn dựa trên sở thích của bản thân. Thông thường, các môn học tự chọn sẽ không liên quan đến chuyên ngành học của bạn nhưng vẫn đáp ứng đầy đủ yêu cầu tổng quát của chương trình đào tạo đại học. Vì không quá chú trọng vào chuyên ngành, tại sao bạn không đăng ký những môn học tự chọn mà bạn cảm thấy thật sự hứng thú? Bằng cách đó, bạn sẽ có thêm động lực để học tập và đạt được kết quả tốt hơn.
3. Hãy bắt đầu với các môn học liên quan đến chuyên ngành:
Thông thường, bạn được yêu cầu hoàn thành một số môn học chính liên quan đến chuyên ngành mà bạn đang theo học. Những môn học này thường đóng vai trò quan trọng trong chương trình đào tạo đại học và yêu cầu của chúng có thể thay đổi tùy vào từng ngành học khác nhau. Do đó, bạn nên hỏi ý kiến của các cố vấn học tập để có thể lập ra một lịch trình hợp lý cho việc đăng ký môn học.
Nếu bạn không có điều kiện gặp cố vấn học tập, hãy tham khảo danh mục đào tạo của trường, trong đó thường chứa lịch trình mẫu dành cho tất cả các chuyên ngành được giảng dạy. Nếu bạn có thắc mắc khi đọc những danh mục này, đừng ngần ngại gửi email cho cố vấn học tập để được giải thích.
Nhiều môn học chuyên ngành sẽ được sắp xếp theo trình tự, nghĩa là bạn không thể đăng ký các lớp học tiếp theo nếu không đáp ứng được điều kiện của các lớp học tiên quyết. Trong khi đó, một số lớp học sẽ không được mở thường xuyên vào mỗi học kỳ. Ví dụ, lớp toán đại cương 1 chỉ được mở vào học kỳ mùa thu và nếu không tham gia lớp học này, bạn không thể đăng ký lớp toán đại cương 2. Thậm chí, bạn có thể phải đợi 1 năm để có thể đăng ký lớp toán đại cương 1 vào khóa học mùa thu năm sau. Điều này thậm chí có thể làm trì hoãn thời gian tốt nghiệp của bạn.
4. Hiểu rõ yêu cầu đối với các chuyên ngành khoa học:
Các chuyên ngành khoa học tăng cường thường có rất nhiều môn học như Vật lý, Toán và Sinh học để đăng ký. Những môn học này thường bao gồm các buổi thí nghiệm, điều khiến không ít sinh viên bối rối bởi số buổi thí nghiệm của mỗi môn học.
Không ít sinh viên gặp khó khăn khi đăng ký quá nhiều môn khoa học có đi kèm thí nghiệm trong cùng một học kì. Mỗi buổi thí nghiệm thường tiêu tốn 3 giờ mỗi tuần, chưa kể những bài tập để chuẩn bị trước buổi thí nghiệm và báo cáo sau thí nghiệm. Bạn được khuyên mỗi học kỳ không nên đăng ký quá 2 khóa học có thí nghiệm.
5. Tìm hiểu về Chương trình Danh dự của trường:
Nhiều trường đại học tại Mỹ thường có các Chương trình Danh dự. Sẽ là một đặc ân nếu bạn được lựa chọn bởi du học sinh Chương trình Danh dự sẽ được học các khóa học thiết kế dành riêng cho chương trình này. Ngoài ra, sinh viên tham gia Chương trình Danh dự thường được đăng ký môn học sớm hơn những sinh viên khác. Điều này có nghĩa là bạn sẽ không gặp khó khăn nào khi đăng ký các môn học mà mình muốn.
Du học sinh Mỹ nên làm gì trong tuần đầu tiên tới Mỹ?
- Làm thẻ sinh viên ngay tại trường để được hưởng những quyền lợi của một sinh viên quốc tế.
- Mở tài khoản ngân hàng để giúp bạn quản lý chi tiêu hàng tháng và an toàn.
- Đăng ký bảo hiểm sức khỏe
- Nếu sử dụng phương tiện công cộng như xe bus thì các bạn nên mua vé tháng để được ưu đãi về giá cả.
- Bất cứ đi đến đâu các bạn nên mang theo bản đồ và địa chỉ, điện thoại của người giúp đỡ bạn ở Mỹ để tránh bị lạc.
Cố gắng vượt qua cú sốc văn hóa
- Hãy bình tĩnh nhớ đến kế hoạch tương lai của mình và nguyên nhân mình du học. Bạn sẽ cảm thấy vững vàng hơn và xem đó là những thúc đẩy bạn hoà nhập tốt hơn với cuộc sống mới.
- Hãy hòa đồng, trò chuyện với các bạn mới vì đây sẽ là một cách giúp các bạn nâng cao khả năng tiếng Anh của mình và tự tin hơn
- Tham gia những câu lạc bộ ở trường vì nó sẽ giúp các bạn sống năng động và khỏe mạnh hơn. Các trường học ở
- Mỹ đánh giá rất cao những sinh viên tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa.
Nên thường xuyên mược các tạp chí trong thư viện đọc để rèn luyện vốn tiếng Anh của bạn.
Làm quen với môi trường học tập ở Mỹ
- Hầu hết các trường Đại học Mỹ đều yêu cầu TOEFL đối với sinh viên quốc tế. Tuy nhiên ở các trường cao đẳng Mỹ, bạn có thể thi COMPASS (một dạng bài ACT được các trường College của Mỹ công nhận) hoặc thi SAT.
- Khi đăng ký môn học, các bạn nên sắp xếp thật hợp lý. Ở Mỹ có hai mùa học chính thức là mùa Spring (bắt đầu từ tháng 1 đến tháng 5) và mùa Fall ( bắt đầu từ tháng 8 đến tháng 12). Tối đa một mùa các bạn có thể đăng ký 6 môn học. Các bạn không nên đăng ký cả 6 môn học đều mang tính chất đọc nhiều vì như thế sẽ khiến các bạn không theo kịp tiến độ học. Các bạn nên chia đều các môn khoa học với các môn xã hội trong một mùa.
- Tuần đầu tiên, ở mỗi lớp học, các bạn sẽ được các giáo sư phát cho một thời khóa biểu học (syllabus).Các bạn có thể học thử trong tuần đầu tiên. Nếu các bạn gặp khó khăn với môn học đó, hãy mạnh dạn đến những tư vấn viên trong trường (counselor) và xin đổi lớp.
- Thang điểm ở Mỹ là 100 và được tính trong suốt quá trình học, chia ra nhiều phần như bài luận, book report, những bài kiểm tra, quiz. Một số giáo sư sẽ không yêu cầu các bạn làm tất cả bài tập homework hoặc những bài ôn tập chuẩn bị kiểm tra, nhưng nếu các bạn làm và nộp cho giáo sư, các bạn sẽ được cộng điểm phụ (extra credit). Nó sẽ giúp các bạn đạt điểm cao hơn vào cuối khóa học.
- Đừng để thời gian trống quá nhiều, hãy tìm những tài liệu từ sách vở ở thư viện hoặc những thông tin bổ ích trên Internet liên quan đến bài học để bổ sung kiến thức cho chính bản thân các bạn.
Kênh Tuyển Sinh