Phân biệt trường Công, trường Tư & Cao đẳng cộng đồng ở Mỹ
Du học Mỹ: Phân biệt trường Công, trường Tư & Cao đẳng cộng đồng ở Mỹ: Trường Công, trường Tư và trường Cao đẳng cộng đồng ở Mỹ có gì khác biệt? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây để có lựa chọn phù hợp khi du học Mỹ nhé.
Du học Mỹ: Trường Công, trường Tư & Cao đẳng cộng đồng ở Mỹ có gì khác biết?
Tại Mỹ, sự khác biệt về cơ cấu giữa các trường đại học công, đại học tư, và cao đẳng cộng đồng chủ yếu nằm ở mức học phí, thời gian học, và đối tượng tuyển sinh.
Để giáo dục đại học phù hợp với khả năng chi trả của người dân, chính quyền các bang đã lập ra đại học công và liên tiếp trợ cấp cho các trường này. Do nhận được trợ cấp từ chính phủ, trường đại học công thường có học phí thấp hơn so với trường đại học tư. Trường công thường sẽ có từ “State University” trong tên mình hoặc bao gồm tên của bang hay tên địa danh (chẳng hạn như New York hay California). Số lượng sinh viên nhập học những trường này thường cao, khoảng 20.000 sinh viên hoặc hơn. Tại các trường này, người dân trong tiểu bang (những người sinh sống và đóng thuế trong tiểu bang đó) trả học phí thấp hơn so với sinh viên ngoài tiểu bang.
Sinh viên Quốc tế trả học phí cao hơn
Sinh viên quốc tế được coi là ngoài tiểu bang và không được hưởng mức học phí thấp. Tuy nhiên, một số trường vẫn có mức học phí thấp cho sinh viên ngoài bang và sinh viên quốc tế đến từ các tiểu bang, quốc gia, hay tổ chức mà họ đã có những thoả thuận riêng. Một điều đáng lưu ý nữa là sinh viên quốc tế thường phải đáp ứng yêu cầu nhập học cao hơn so với sinh viên trong tiểu bang khi học tập tại Mỹ.
Trường tư được các cựu sinh viên tài trợ nhiều
Các trường đại học tư mặt khác được tài trợ bởi các nhà tài trợ, kinh phí nhà nước cho nghiên cứu, đóng góp của cựu sinh viên, và học phí của sinh viên. Số lượng tuyển sinh có xu hướng nhỏ hơn so với các trường đại học công và cao đẳng, với khoảng 6.000 sinh viên hoặc ít hơn. Ngoài ra, trường tư không phân biệt sinh viên trong hay ngoài bang, do đó mức thu học phí là như nhau. Trường nam sinh, nữ sinh hay trường tôn giáo thường là các trường tư. Các trường đại học nổi tiếng như Harvard, Yale, Princeton trong nhóm Ivy League, cũng thường là các trường tư.
Vì các trường tư hạch toán độc lập hơn các trường công nên thường có nhiều kinh phí hơn để đầu tư vào trường lớp, giáo viên và dịch vụ cho sinh viên. Vì vậy, khác với ở Việt Nam, hệ thống trường tư ở Mỹ thường mạnh hơn và có chất lượng hơn trường công.
Cao đẳng Cộng đồng
Trường cao đẳng cộng đồng – giống như tên được gọi – liên kết chặt chẽ với cộng đồng nơi trường được thành lập. Các trường này có quan hệ gần gũi với các trường trung học địa phương, các doanh nghiệp và các nhóm cộng đồng. Rất nhiều sinh viên nhập học sống gần trường cùng gia đình tại địa phương. Trường cao đẳng cộng đồng còn được gọi là cao đẳng junior hoặc trường cao đẳng hai năm.
Bởi chương trình học chỉ có hai năm, chi phí các trường này thấp hơn nhiều so với các trường đại học và cao đẳng bốn năm. Các trường này có thể thuộc tư nhân hoặc chính phủ, và cấp các bằng liên kết, chủ yếu là Associate of Arts (AA) và Associate of Science (AS). Các trường cao đẳng cộng đồng thường có thoả thuận với các trường đại học bốn năm cùng địa phương để cho phép sinh viên tốt nghiệp từ các chương trình liên kết có thể chuyển tiếp sang năm thứ ba của chương trình đại học cử nhân.
Lịch học và cách chấm điểm của các trường ĐH Mỹ du học sinh Mỹ cần biết
Lịch học, khóa học, các hệ thống tín chỉ và chấm điểm ở Mỹ khác ở Việt Nam rất nhiều. Khi vào trường chúng tôi khuyên bạn nên tham vấn với cán bộ phụ trách khóa nếu bạn không hiểu rõ các yêu cầu.
Lịch học
Năm học bắt đầu từ đầu tháng 9 đến cuối tháng 5 với ngày cụ thể khác nhau tùy theo từng trường. Tại hầu hết các trường, năm học được chia thành hai học kỳ kéo dài 16 – 18 tuần, trong khi tại một số trường khác, năm học được chia thành 3 hoặc 4 học kỳ, với mỗi học kỳ kéo dài khoảng 10 – 12 tuần. Nhiều trường cho phép sinh viên chọn học 4 – 8 tuần mùa hè, hay còn được gọi là học kỳ mùa hè. Đây là lựa chọn dành cho những du học sinh muốn hoàn thành chương trình học nhanh hơn, hoặc giảm tải chương trình học trong năm, hoặc học bù cho những môn chưa hoàn thành. Trong năm học có ít nhất hai kỳ nghỉ chính: 2 – 4 tuần nghỉ đông từ tháng 12 đến tháng 1 và kỳ nghỉ 1 tuần vào tháng 3 hoặc tháng 4 hay còn được gọi là nghỉ xuân.
Các khóa học
Các môn học trong khóa học có thể được chia thành vài nhóm, bao gồm nhóm môn học đại cương, nhóm môn học chính, nhóm môn học phụ và nhóm môn học tự chọn. Môn học đại cương là nền tảng của bất kỳ chương trình đại học nào và là bắt buộc với tất cả các sinh viên. Nhóm này bao gồm các môn học rất đa dạng từ toán học, nhân văn, khoa học vật lý, khoa học xã hội, nghệ thuật, cho đến tiếng Anh.
Số lượng yêu cầu của các môn học đại cương khác nhau tùy theo từng trường. Một nhóm môn học khác chiếm phần lớn chương trình học của sinh viên là nhóm môn học chính. Nhóm này bao gồm các môn học liên quan đến lĩnh vực chuyên ngành mà sinh viên đã chọn. Khoảng 1/4 đến 1/2 các môn yêu cầu trong chương trình học của sinh viên là môn học chính.
Ngoài nhóm các môn học đại cương và môn học chính còn có nhóm các môn học phụ, xoay quanh lĩnh vực mà sinh viên chọn làm chuyên ngành thứ hai. Số lượng yêu cầu của các môn học phụ bằng khoảng một nửa số lượng yêu cầu của các môn học chính. Cuối cùng là nhóm các môn học tự chọn, bao gồm những môn học mà sinh viên có thể chọn từ bất kỳ chuyên ngành nào. Những môn học này cho phép sinh viên khám phá những lĩnh vực khác mà họ quan tâm.
Hệ thống “tín chỉ” – credit
Mỗi môn học mô tả ở trên được tính điểm dựa trên số tín chỉ (tiếng Anh gọi là credit). Biết được điều này là rất quan trọng vì các trường đại học và cao đẳng ở Mỹ tuân theo hệ thống tín chỉ riêng. Để hoàn thành bằng cấp của mình, sinh viên phải tích lũy một số lượng tín chỉ nhất định được quy định bởi trường thông qua các môn họ theo học. Nếu đến cuối chương trình mà bạn chưa đủ tín chỉ thì sẽ không được tốt nghiệp và phải “trả nợ”. Vì vậy nên theo dõi yêu cầu của nhà trường và làm đủ.
Đối với mỗi môn học, các trường đại học sử dụng một hệ thống tính điểm để đánh giá mức độ thành công của sinh viên trong môn học đấy. Hầu như tất cả mọi thứ sinh viên thể hiện trong môn học đó đều ảnh hưởng đến điểm số cuối cùng. Những thứ này bao gồm bài kiểm tra, bài luận, mức độ tham gia phát biểu trong giờ học, điểm danh, giải các câu đố, bài tập dưới dạng viết, công việc trong phòng thí nghiệm, thuyết trình, v.v., và trong trường hợp chuyên ngành là âm nhạc hay nghệ thuật, thì bao gồm biểu diễn và thuyết trình nghệ thuật. Điều này có nghĩa rằng việc hoàn thành các bài tập, đọc tài liệu được giao và tham dự lớp học đầy đủ là vô cùng quan trọng cho sự thành công của sinh viên đối với khóa học, cũng như đạt được số tín chỉ của khóa học đó.
Cách tính điểm GPA
Nhìn chung, thang điểm cho các môn học là: A = 90-100%, B = 80-89%, C = 70-79%, D = 65-69% và F = 0-64%. Sau khi hoàn thành mỗi kỳ hoặc năm học, sinh viên sẽ có điểm quy đổi trung bình (tiếng Anh gọi là Grade Point Average hay viết tắt là GPA). Còn sau khi hoàn thành cả chương trình học, sinh viên sẽ có điểm tổng kết quy đổi trung bình. Điểm quy đổi tương ứng với điểm bằng chữ như sau: A = 4 điểm, B = 3 điểm, C = 2 điểm, D= 1 điểm và F = 0 điểm. Để tính điểm quy đổi cho một môn học, sinh viên phải lấy số điểm quy đổi tương ứng với điểm chữ mình nhận được nhân với số tín chỉ của môn học đó. Để tính điểm tổng kết trung bình, sinh viên phải lấy tổng điểm quy đổi của tất cả các môn học đã hoàn thành chia cho tổng số tín chỉ của tất cả các môn học đó. Ví dụ:
Sinh học 101 | Tín chỉ = 3 | Điểm = A | Điểm quy đổi = A(4) x 3=12 |
Sinh học (lab) | Tín chỉ = 1 | Điểm = B | Điểm quy đổi = B(3) x 1=3 |
Tiếng Anh101 | Tín chỉ = 3 | Điểm = C | Điểm quy đổi = C(2) x 3=6 |
Điểm quy đổi trung bình = (12+3+6) / (3+1+3) = 3.0 |
Ngoài ra, một số trường còn trao bằng danh dự. Để hội đủ điều kiện nhận bằng danh dự, tùy theo yêu cầu của từng trường, sinh viên có thể phải học thêm tín chỉ, tham gia một kỳ thi toàn diện hoặc viết luận văn về lĩnh vực chuyên ngành của họ.
Theo: Kênh Tuyển Sinh