Cuộc sống ‘giấc mơ Mỹ’ của người nhập cư
Buổi sáng tại thành phố Minneapolis (Mỹ), khi tàu điện mở cửa, những người thuộc nhiều màu da khác nhau vội vã lên tàu, mỗi người ấp ủ trong mình một giấc mơ về cuộc sống tươi đẹp.
Tàu điện đi ngang qua một nhà thờ dòng Lutheran ở thành phố Minneapolis trong một ngày tháng 6. Bộ ảnh của Todd Heisler, phóng viên của New York Times ghi lại tuyến đường sắt Green Line mới mở, kết nối vùng Twin Cities chạy qua khu vực đa sắc tộc, nơi từng tập trung chủ yếu người vùng Scandinavia và Trung Âu, nhưng nay có đông dân cư đến từ Somalia, Lào, Mexico…
(Từ trái qua) Khidar Mehmud ngồi cùng em trai, Zakariya; chị gái, Kanwal Mehmud và anh rể, Yasir Farhran trên tàu điện tại thành phố Minneapolis. “Pakistan chỉ có người Pakistan. Mọi người đều trông giống nhau, ăn mặc giống nhau. Ở đây mọi người đến từ các nền văn hóa khác nhau và tôi thích điều đó”, Kanwal Mehmud chia sẻ về xã hội đa sắc tộc ở đây.
Tàu điện chạy qua khu căn hộ đồ sộ Riverside Plaza tại thành phố Minneapolis. Khu vực Riverside ngày nay là nơi cư ngụ của rất nhiều gia đình Somalia và Ethiopia. Một vài người trong số họ từng gặp khó khăn trong việc hòa nhập, nhất là khi thiếu niên Mỹ hay bắt nạt trẻ em nhập cư.
Một cậu bé vui đùa cùng đàn chim ở bến cảng tại thành phố Duluth, bang Minnesota vào tháng 6. Thành phố Duluth, cách biên giới với Mexico tại hạt Laredo, bang Texas 1.600 dặm, có khá ít người nhập cư, nhưng thị trưởng thành phố nói rằng ông hoan nghênh sự đa văn hóa mà người nhập cư có thể mang lại cho khu vực.
Những người trẻ tuổi Somalia thường tụ họp tại Liên đoàn Cộng đồng Somalia đặt ở trung tâm Brian Coylem, thành phố Minneapolis. Mohamud Noor, giám đốc của Liên đoàn, đang nỗ lực trở thành thành viên gốc Đông Phi đầu tiên của Cơ quan lập pháp Minnesota.
Mohamud Noor thực hiện phỏng vấn cho đài truyền hình Somalia địa phương tại thành phố Minneapolis vào tháng 6. Noor là lãnh đạo của cộng đồng người Somalia đang gia tăng tại tiểu bang phía tây miền trung nước Mỹ này.
Hai người phụ nữ từ Ethiopia và Somalia bước xuống cầu thang một nhà ga trên tuyến Green Line gần Riverside Plaza, khu căn hộ nhiều cư dân Đông Phi sinh sống tại thành phố Minneapolis. Green Line là tuyến đường sắt nhẹ kết nối hai thành phố Minneapolis và St. Paul, đồng thời mang những người nhập cư lại gần nhau hơn.
White Horse (Ngựa Trắng), quán bar với tên gọi cũ La Trampa, thường phục vụ người gốc Mexico, Tây Ban Nha tại thành phố Austin, bang Texas. Thay đổi đang diễn ra tại các thành phố dọc theo Xa lộ Liên bang 35, tuyến đường rất nhiều người nhập cư Mỹ đi qua.
Sebastien de la Cruz, cậu bé đã vượt qua hàng loạt sự phân biệt chủng tộc sau màn thể hiện quốc ca Mỹ trong trang phục truyền thống Mexico tại một trận đấu bóng rổ NBA năm 2013, đứng trước ngôi nhà của mình ở thành phố San Antonio.
Trung sĩ Sean Larkin làm việc ở Sở Cảnh sát thành phố Tulsa chuyên giải quyết các vần đề về người nhập cư, sau một đợt truy bắt chất cấm tại thành phố Tulsa, bang Oklahoma vào tháng 6.
Francene Sharp là giáo viên thể dục và đàn piano đã nghỉ hưu tại thành phố Wichita, bang Kansas. Người dân dọc Xa lộ Liên bang 35 có nhiều suy nghĩ về việc trở thành công dân Mỹ, từ cơ hội cho đến các thay đổi, từ lòng yêu nước đến sự đa dạng sắc tộc.
Joselyne Mahoro được sinh ra ở Congo nhưng đang theo học tại một trường y tá tại thành phố Des Moines, bang Iowa. “Trở thành người Mỹ rất khác lạ. Khi tôi còn ở châu Phi, tôi chỉ có một bữa ăn một ngày. Ở đây, tôi có thể ăn bất cứ khi nào tôi muốn”, cô chia sẻ.
Một con tàu đang rời bến cảng trong màn sương mù dày đặc tại thành phố Duluth, bang Minnesota một ngày tháng 6. Xa lộ Liên bang 35 chạy từ Laredo, Texas tới Duluth, ghi dấu của sự thay đổi người nhập cư đang mang lại cho nước Mỹ. Tuy vậy, tuyến xa lộ kết thúc tại thành phố cảng Duluth, nơi vẫn chưa có nhiều đổi thay trong hàng thập kỷ.
Trung Hiếu – Zing