Thị trưởng gốc Việt sắp “làm dâu trăm nghìn họ” ở Mỹ

Trở thành thị trưởng gốc Việt đầu tiên của thành phố Westminster ở bang California, Tri Ta không chỉ có niềm tự hào mà còn cả những tháng ngày bận rộn đang chờ đợi trước mắt với trọng trách mới này

Tri Ta, 39 tuổi, đang điều hành một tạp chí về công nghiệp làm móng tay, chân và sống bình yên cùng gia đình tại một ngôi nhà nhỏ ở rìa thành phố Westminster, bang California. Mức lương dành cho chức thị trưởng chỉ khiêm tốn 900 USD một tháng và quyền lực cũng có hạn. Tuy nhiên, tại cộng đồng người Việt lớn nhất nước Mỹ, nơi được mệnh danh là thủ phủ của kiều bào ở nước ngoài, Ta là thị trưởng người Mỹ gốc Việt đầu tiên và chiến thắng này có ý nghĩa vô cùng lớn.

Sau cuộc bầu cử tuần trước, Ta được mời trả lời phỏng vấn trên sóng phát thanh và đến thành phố San Joe, bang California để gặp mặt một số lãnh đạo gốc Việt. Cái tên của ông được nhắc đến trên nhiều phương tiện thông tin, từ Houston (bang Texas) cho đến Hà Nội.

Van Tran, một cựu dân biểu của quận Cam (bang California) nhận định rằng Ta sẽ sớm đối mặt với hoàn cảnh “nhiệm vụ gấp hai, gánh nặng gấp đôi”. Ông Van Tran là người thường xuyên được mời tham dự các sự kiện ở New York, Florida, Texas và thậm chí cả châu Âu hay Austrlia với tư cách một chính trị gia người Mỹ gốc Việt.

“Anh phải đội nhiều chiếc mũ hơn, chứ không chỉ là mũ của người đại diện cho một cộng đồng hay một thành phố”, ông Tran nói. “Ở những cộng đồng người Mỹ gốc Việt khác, mọi người đều khao khát có một đại diện người Việt của riêng họ. Họ không biết bí quyết là gì và họ đang yêu cầu chúng ta chia sẻ điều đó”.

Dù không còn tại nhiệm, Tran tháng trước cho biết, ông vẫn được nhóm tranh cử tổng thống của ứng viên Mitt Romney nhờ tổ chức một chiến dịch nhằm thuyết phục những cử tri người châu Á còn do dự ở bang Ohio và Nevada. Khi còn làm việc, ông Tran từng được mời đến Washington để đón tiếp đại sứ Mỹ ở Việt Nam trong một chuyến thăm đến Seattle.

Madison Nguyen, phó thị trưởng thành phố San Joe, cho biết bà rất bận rộn với những thắc mắc của cộng đồng người Việt ở miền bắc California, có khi là các vấn đề chính phủ, có khi là về y tế. “Tôi có vị hôn thê hoặc một thành viên gia đình ở Việt Nam. Làm thế nào để tôi đẩy nhanh thủ tục đưa họ sang Mỹ đây?”, bà kể lại một thắc mắc điển hình.

Nguyen cho biết bà làm việc đến 15 giờ một ngày để đáp ứng những yêu cầu đề ra của một ủy viên hội đồng người Mỹ gốc Việt đầu tiên tại San Joe. “Các cuộc điện thoại gọi đến không ngừng nghỉ”, bà kể. Với Ta, bà Nguyen dự đoán rằng “áp lực sẽ đến rất nhanh”.

Trong nhiều thập kỷ qua, các cử tri ở Little Saigon đã bầu ra nhiều thẩm phán, thanh tra quận, ủy viên hội đồng thành phố, quản lý trường học người Việt, nhưng vị trí thị trưởng gốc Việt của Wesmintster vẫn bỏ ngỏ, cho đến khi Ta thắng cử.

“Tôi nghĩ cuộc bầu cử của Tri Ta sẽ khuyến khích nhiều người gốc Việt bỏ phiếu và chạy đua tranh cử hơn”, Linda Vo, một giáo sư thuộc Viện Nghiên cứu Mỹ Á, đại học California ở Irvine nói. Bà cho biết trong mười năm qua, bà đã chứng kiến “một sự tăng lên không ngờ về số lượng người Mỹ gốc Việt tranh cử các chức vụ trong chính quyền và giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử địa phương”.

Tuy nhiên, việc “tiếp tục gây dựng liên minh, vượt qua lằn ranh về chủng tộc” tại thành phố là rất quan trọng đối với Ta. Wesminster có gần một nửa dân cư là người châu Á, số còn lại chia đều giữa người Latin và người da trắng.

Không giống những thị trưởng trước của Westminster, Ta sẽ phải vừa làm hài lòng cộng đồng người Việt, vừa nhanh chóng giải quyết các vấn đề trong thành phố để đáp ứng nguyện vọng của người dân. “Với những yêu cầu liên tục, tôi chỉ có thể đáp trả mọi người một ngày một lần”, ông nói.

“Ông ấy không phải là một chính trị gia tâm điểm. Ông ấy là một nhà thơ. Ông ấy có đam mê. Tôi đứng cạnh Tri Ta khi ông ấy phát biểu và khi ông ấy tin vào một điều gì đó, ông ấy rất quyết đoán”, ông Tran nói.

Ta, người đến Mỹ năm 1992, khi mới 19 tuổi, đã đáp ứng được phần nào mong đợi của mọi người sau cuộc bầu cử, khi ngập lụt trong những cuộc điện thoại mời tham dự các cuộc họp cộng đồng và các sự kiện ở trường học. “Thậm chí khi chúng ta đang nói chuyện, điện thoại cũng reo không ngừng”, Ta nói với các phóng viên và bảo con gái 10 tuổi đọc các tin nhắn.

Ngoc Tran, một phụ nữ góa chồng có 5 con trai, cho biết bà dõi theo chiến thắng của Ta dù sống cách xa. “Không quan trọng chuyện ông ấy làm việc ở đâu”, bà nói. “Tôi vẫn có thể gặp ông ấy và ông ấy có thể liên hệ với những người như tôi. Ông ấy sẽ giúp chúng tôi”.

Van Tran thì dẫn câu thành ngữ “Làm dâu trăm họ” để miêu tả về công việc mà Tri Ta sắp đảm nhận. “Tôi xin chỉnh lại câu này. Không phải 100 mà là 100.000 họ”, ông đùa.