Sự khác biệt giữa hồ sơ bảo lãnh Vợ chồng và Hôn Thê

Sự khác biệt giữa hồ sơ bảo lãnh Vợ chồng và Hôn Thê

Chiếu khán nhập cảnh Hoa Kỳ được phân ra làm hai loại: Nonimmigrant Visa tức là chiếu khán giới hạn, và Immigrant Visa tức là chiếu khán thường trú.

– Chiếu khán được cấp cho diện phối ngẫu (diện vợ chồng) là chiếu khán thường trú (Immigrant Visa). Khi tới phi trường Hoa Kỳ, sẽ được Sở Di Trú cho nhập cảnh, đương đơn được xem là thường trú nhân.

Mẫu đơn I-130 được nộp vào Sở Di Trú, khoảng 6 tới 8 tháng sau, Sở Di Trú mới xét tới hồ sơ bảo lãnh đó. Sau khi hồ sơ được Sở Di Trú chấp thuận, Sở Di Trú sẽ chuyển hồ sơ qua National Visa Center (Trung Tâm Chiếu Khán Quốc Gia) để lo thủ tục cấp chiếu khán.

National Visa Center cứu xét hồ sơ mất khoảng 4 tháng. Sau khi mọi thủ tục hoàn tất, thì hồ sơ sẽ được chuyển về tòa lãnh sự Hoa Kỳ gần nhất nơi đương đơn đang cư trú để được phỏng vấn, thời gian mất khoảng 4 tháng. Ngày Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ chấp thuận hồ sơ, chiếu khán sẽ được cấp khoảng từ 1 tới 3 tuần. Tổng cộng thời gian chờ đợi từ ngày nộp hồ sơ bảo lãnh tới ngày nhập cảnh Hoa Kỳ khoảng 14 tới 16 tháng.

– Chiếu khán được cấp cho diện hôn phu hôn thê (fiancé) là chiếu khán giới hạn (Nonimmigrant Visa). Tức là đương đơn được nhập cảnh Hoa Kỳ 90 ngày để lập hôn thú với người bảo lãnh.

Khi mẫu đơn I-129F được nộp vào Sở Di Trú, khoảng 5 tới 7 tháng sau Sở Di Trú mới xét tới hồ sơ bảo lãnh đó. Sau khi hồ sơ được Sở Di Trú chấp thuận, Sở Di Trú sẽ chuyển hồ sơ qua lãnh sự Hoa Kỳ để cấp chiếu khán. Hồ sơ sẽ mất khoảng 3 tới 4 tháng mới được cấp chiếu khán.

Thời gian chờ đợi từ ngày hồ sơ bảo lãnh nộp tới ngày nhập cảnh Hoa Kỳ khoảng 8 tới 11 tháng. Như quí bạn đọc thấy, hồ sơ bảo lãnh theo diện hôn phu hôn thê sau khi được Sở Di Trú chấp thuận được chuyển thẳng tới Lãnh Sự Hoa Kỳ mà không qua National Visa Center cho nên hồ sơ được hoàn tất sớm hơn hồ sơ bảo lãnh theo diện phối ngẫu vài tháng. Nếu mục đích của quí vị là thời gian, thì diện hôn phu hôn thê tốt hơn diện phối ngẫu.

Nhưng thời gian không phải là mục đích duy nhất. Một điểm khác biệt giữa hai diện là mẫu bảo trợ tài chánh.

– Mẫu đơn bảo trợ tài chánh I-864 chỉ được dùng vào những hồ sơ chiếu khán thường trú như diện phối ngẫu.

– Và mẫu đơn bảo trợ tài chánh I-134 chỉ được dùng cho những hồ sơ chiếu khán giới hạn như diện hôn phu hôn thê (Nonimmigrant Visa).

Hai mẫu đơn bảo trợ tài chánh có sự đòi hỏi khác nhau. Mẫu đơn bảo trợ tài chánh I-864, nếu người bảo trợ không đủ điều kiện có thể nhờ người bảo trợ phụ và người bảo trợ phụ có thể là bất cứ người nào là thường trú nhân hoặc công dân Hoa Kỳ, trên 18 tuổi, chịu trách nhiệm bảo trợ tài chánh cho người được bảo lãnh.

Người bảo trợ phụ có thể là một người quen biết không cần phải họ hàng thân thuộc. Sự đòi hỏi của mẫu đơn bảo trợ tài chánh I-134 có nhiều đặc điểm khác với mẫu đơn I-864.

mẫu đơn I-864 có giá trị như một hợp đồng và người bảo trợ phụ phải chịu mọi trách nhiệm nêu trong mẫu đơn đó. Nhưng mẫu đơn I-134 không có giá trị như một hợp đồng và người bảo trợ phụ có thể ký mẫu đơn đó, qua ngày hôm sau lại đổi ý, khi đó chính phủ Hoa Kỳ sẽ không làm gì được người bảo trợ phụ.

Vì lý do đó, Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ có thể từ chối mẫu đơn I-134 của người bảo trợ phụ nếu Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ không tin người bảo trợ phụ thật tâm và có thành ý. Lãnh Sự Hoa Kỳ sẽ dựa vào lý do người bảo trợ phụ đồng ý chịu trách nhiệm, sẽ cứu xét về sự liên hệ của người bảo trợ phụ với người được bảo lãnh, tài chánh của người bảo trợ phụ và trách nhiệm của người bảo trợ phụ.

Nếu người bảo trợ phụ là một người bạn thường của người được bảo lãnh thì chắc chắn Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ sẽ từ chối mẫu đơn I-134. Có những trường hợp người bảo lãnh không hội đủ điều kiện tài chánh, không có thân nhân để làm người bảo trợ phụ nhưng có bạn bè đồng ý làm người bảo trợ phụ, thì bảo lãnh theo diện hôn phu hôn thê (Nonimmigrant Visa) sẽ bị khó khăn nhưng bảo lãnh theo diện phối ngẫu (Immigrant Visa) sẽ được dễ dàng do sự đòi hỏi của mẫu đơn bảo trợ tài chánh. Trong tình trạng này thì bảo lãnh theo diện phối ngẫu tốt hơn là bảo lãnh theo diện hôn phu hôn thê.

Chiếu khán diện hôn phu hôn thê là chiếu khán giới hạn tức là người được bảo lãnh nhập cảnh và được ở lại Hoa Kỳ 90 ngày để lập hôn thú với người bảo lãnh. Sau khi lập hôn thú với người bảo lãnh, người được bảo lãnh phải làm đơn thay đổi tình trạng di trú (Adjustment of Status) thành thường trú nhân.

Hồ sơ thay đổi tình trạng di trú nộp ở Sở Di Trú thành phố Santa Ana, California sẽ mất khoảng 6 tháng Sở Di Trú mới báo ngày hẹn đi phỏng vấn. Hồ sơ thay đổi tình trạng di trú nộp ở Sở Di Trú thành phố Los Angeles, California sẽ mất khoảng 7 tháng mới được ngày hẹn đi phỏng vấn. (Tùy theo Sở Di Trú của mỗi thành phố, mỗi tiểu bang, thời gian nộp hồ sơ đến ngày hẹn đi phỏng vấn chênh lệch rất xa.)

Tuy rằng người được bảo lãnh nhập cảnh Hoa Kỳ dưới diện hôn phu hôn thê, được nhập cảnh sớm hơn diện phối ngẫu khoảng 5 tháng, nhưng hôn phu hôn thê phải làm hồ sơ thay đổi tình trạng di trú và thời gian chờ đợi để được đi phỏng vấn mất khoảng từ 6 tháng trở lên mới được thành thường trú nhân. Người được bảo lãnh dưới diện phối ngẫu khi nhập cảnh Hoa Kỳ được coi là thường trú nhân. Theo sự trình bày trên, người được bảo lãnh diện phối ngẫu được thành thường trú nhân sớm hơn diện hôn phu hôn thê.

– Một đặc điểm của diện hôn phu hôn thê là khi người được bảo lãnh nhập cảnh Hoa Kỳ, người được bảo lãnh phải lập hôn thú với người bảo lãnh và làm đơn thay đổi tình trạng di trú. Nếu người được bảo lãnh thay đổi ý kiến và không lập hôn thú với người bảo lãnh, người được bảo lãnh sẽ không được thay đổi tình trạng di trú dù là lập hôn thú với một người công dân Hoa Kỳ khác hoặc được những thân nhân khác như cha mẹ anh chị em bảo lãnh.

– Nếu người được bảo lãnh muốn sống hợp pháp ở Hoa Kỳ, người được bảo lãnh phải trở về nước của họ và chờ đợi người bảo lãnh khác làm đơn bảo lãnh. Trong trường hợp người bảo lãnh thay đổi ý kiến không lập hôn thú với người được bảo lãnh hoặc đã lập hôn thú nhưng người bảo lãnh không chịu tiếp tục bảo lãnh cho người được bảo lãnh, người được bảo lãnh sẽ không được thay đổi tình trạng di trú y như trường hợp người được bảo lãnh thay đổi ý kiến vừa nêu trên.

– Có nhiều trường hợp người bảo lãnh hoặc người được bảo lãnh thay đổi ý kiến, và người được bảo lãnh lập hôn thú với người công dân Hoa Kỳ khác và đinh ninh rằng họ sẽ được thay đổi tình trạng di trú với hồ sơ mới. Sau khi đi phỏng vấn, hồ sơ thay đổi tình trạng di trú sẽ bị từ chối và từ ngày bị từ chối, người được bảo lãnh trở thành người ở Hoa Kỳ bất hợp pháp.

– Nếu người được bảo lãnh muốn ở Hoa Kỳ hợp pháp, họ phải trở ra ngoài Hoa Kỳ và chờ hồ sơ bảo lãnh mới. Nếu người được bảo lãnh ở Hoa Kỳ quá 6 tháng hoặc 1 năm sau khi hồ sơ bị từ chối và rời khỏi Hoa Kỳ, người được bảo lãnh sẽ không được nhập cảnh Hoa Kỳ 3 năm hoặc 10 năm. (Khi một người ở Hoa Kỳ bất hợp pháp 180 ngày hoặc lâu hơn, khi rời Hoa Kỳ sẽ không được vào lại Hoa Kỳ trong 3 năm tới.

– Nếu ở Hoa Kỳ bất hợp pháp 1 năm trở lên, sẽ không được vào Hoa Kỳ trong 10 năm tới.) Nếu đương đơn phạm phải điều luật cấm 3 năm hoặc 10 năm, nếu muốn nhập cảnh Hoa Kỳ trước thời hạn 3 năm hoặc 10 năm, phải làm đơn yêu cầu Sở Di Trú miễn điều luật đó nếu hội đủ điều kiện.

Việt Ca Dao