Hoa Kỳ sẽ hủy bảo lãnh diện anh chị em?
Thẻ xanh mỹ – Trong khi Thượng viện Hoa Kỳ tranh cãi sôi nổi dự luật cải tổ di trú, một số tổ chức của người Mỹ gốc Á -Thái Bình Dương vận động để thay đổi một điều khoản mà hầu hết các thượng nghị sĩ làm lơ, đó là điều khoản bãi bỏ bảo lãnh anh chị em và con cái trên 30 tuổi đã lập gia đình.
“Thay đổi này nằm trong đoạn nói về bảo lãnh gia đình, liệt kê ra những diện ưu tiên được bảo lãnh, và phải những ai biết trước đây có những diện nào, thì mới nhận ra rằng dự luật mới đã loại bỏ hai diện đó,” Luật sư Betty Hung, Giám đốc về Chính sách tại Trung tâm Pháp lý người Mỹ gốc Á-Thái Bình Dương (APALC) ở Los Angeles, nói.
Cải tổ tổng thể luật di trú là một việc nhiều đời Tổng thống của cả hai đảng đã muốn làm, nhưng phải tới năm nay mới có hy vọng thông qua.
Loại bỏ hai diện bảo lãnh
Tại Thượng viện, một dự luật mang số S.744 do một nhóm 8 người (mệnh danh “Gang of Eight”) gồm 4 Cộng hòa và 4 Dân chủ, đồng tác giả đã được thông qua ở cấp ủy ban và hiện đang được thảo luận trong toàn viện và đang bị một số thượng nghị sĩ Cộng hòa chống đối.
“Cuộc tranh cãi gần như hoàn toàn xoay quanh những điều khoản áp dụng cho người di dân không giấy tờ,” Pilar Marrero, một nhà báo chuyên về di trú và tác giả cuốn “Killing the American Dream” viết về nhu cầu cải tổ di trú, nhận xét. “Những thay đổi trong hệ thống di trú hợp pháp, hiện nay chưa thấy nói tới nhiều.”
Bảo lãnh gia đình có hai loại:
- Loại thân nhân trực hệ (“immediate relative” gồm vợ chồng, con chưa lập gia đình, …) không bị giới hạn quota tối đa hàng năm
- Loại ưu tiên gia đình (“family preference”) có những giới hạn quota hàng năm và nếu hết quota năm nay thì phải chờ sử dụng quota năm sau hoặc sau nữa.
Trong các hạng ưu tiên này, con cái đã lập gia đình hiện nằm trong ưu tiên 3 và anh chị em hiện nằm trong ưu tiên 4.
“Dự luật hiện nay tại Thượng viện sẽ loại bỏ ưu tiên 4 và đặt giới hạn tuổi là 30 cho ưu tiên 3,” theo Luật sư Hung.
“Người gốc Á – Thái Bình Dương bị ảnh hưởng nặng hơn vì thay đổi này,” Luật sư Hung nói thêm.
Ngược lại, dự luật S.744 cũng có một thay đổi có lợi, là vợ con người mang thẻ xanh sẽ được xếp vào loại “immediate relative,” không bị giới hạn số visa và đơn sẽ được giải quyết nhanh hơn. Dự luật này cũng ra lệnh giải quyết toàn bộ hồ sơ bảo lãnh gia đình đang tồn đọng.
Người gốc Á bị ảnh hưởng nặng
Thượng nghị sĩ gốc Á duy nhất, Mazie Hirono, đảng Dân chủ, đại diện Hawaii, đề nghị trả lại hai diện bảo lãnh cho những trường hợp cực kỳ khó khăn (“extreme hardship”) cho phía công dân Hoa Kỳ, nhưng đề nghị này tuy giới hạn vẫn bị Ủy ban Tư pháp bác bỏ. Trong số phiếu chống đề nghị của Thượng nghị sĩ Hirono có cả phiếu cura Thượng nghị sĩ Diane Feinstein, đảng Dân chủ, đại diện California, nơi có rất đông cử tri gốc Á -Thái Bình Dương.
Trong 5 nước nhiều đơn bảo lãnh anh chị em nhất tính tới cuối năm ngoái, Việt Nam đứng thứ 4 sau Mexico, Ấn Độ, Philippines, và đứng trên Trung Quốc” |
Số liệu của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ năm nay cho thấy trong 5 nước nhiều đơn bảo lãnh con cái đã lập gia đình, ngoài Mexico đứng đầu, cả bốn nước còn lại đều đến từ châu Á hoặc Thái bình dương: Philippines hạng nhì, Việt Nam hạng ba, theo sau là Ấn Độ và Trung Quốc.
Trong 5 nước nhiều đơn bảo lãnh anh chị em nhất tính tới cuối năm ngoái, Việt Nam đứng thứ 4 sau Mexico, Ấn Độ, Philippines, và đứng trên Trung Quốc.
Châu Á đứng hạng nhì về bảo lãnh gia đình nói chung, với 1.827.000 đơn sau Bắc Mỹ (bao gồm Canada, Mexico, Trung Mỹ, vùng biển Caribê). Về con số các hồ sơ tồn đọng thì Việt Nam đứng hạng 4 sau Mexico, Philippines, Ấn Độ và trên Trung Quốc.
Trong khi đó, người gốc Á chỉ chiếm 5.6% dân số Hoa Kỳ.
“Đối với người gốc Á-Thái bình dương, gia đình là chìa khóa thành công của chúng tôi ở Hoa Kỳ,” Luật sư Hung phát biểu. “Anh chị em giúp đỡ lẫn nhau, khi chúng tôi mở công việc làm ăn thì nhiều khi anh chị em làm chung, hoặc cho vay mượn vốn. Nếu thành luật, điều này sẽ gây khó khăn cho cộng đồng.”
Thu hút chất xám
Việc dự luật S.744 loại bỏ bớt bảo lãnh gia đình là một phần của cuộc chuyển hướng luật di trú từ coi trọng gia đình, chuyển qua coi trọng kinh tế và dùng hệ thống thang điểm để xét đơn.
“Chuyện này nằm trong đề nghị chung của nhóm Gang of Eight, nên không biết chính xác đến từ ai, nhưng hầu hết giới quan sát cho rằng đề nghị này đến đầu tiên từ phía Cộng hòa và sau đó thỏa hiệp với phía Dân chủ,” nhà báo Marrero nói.
Tranh cãi gần như hoàn toàn xoay quanh những điều khoản áp dụng cho người di dân không giấy tờ. Những thay đổi trong hệ thống di trú hợp pháp, hiện nay chưa thấy nói tới nhiều.” |
Pilar Marrero, nhà báo và tác giả cuốn “Killing the American Dream” |
Luật sư Hung nói cụ thể hơn, “Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, đại diện đảng Cộng hòa tại South Carolina, là người luôn luôn muốn thay di trú theo gia đình bằng di trú để phát triển kinh tế.”
Với mục đích thu hút chất xám, gia tăng số di dân có khả năng làm việc trong những ngành quan trọng, dự luật S.744 lập ra một thang điểm, trong đó quan hệ gia đình nằm chung với các điều kiện khác như bằng cấp, việc làm, tuổi tác, trình độ tiếng Anh, thời gian đã sống ở Mỹ.
“Anh chị em, được 10 điểm, trong khi đó điểm TOEFL 80 trở lên cũng 10 điểm,” theo Luật sư Hung.
Trong một bức thư gởi Ủy ban Tư pháp, hơn 200 tổ chức cộng đồng thiểu số và cả nghiệp đoàn AFL-CIO lớn nhất nước Mỹ, cho rằng không nhất thiết phải như thế.
“Dự luật S.744 khiến hai giá trị quan trọng của Mỹ trở thành đối nghịch – đoàn tụ gia đình và phát triển kinh tế,” bức thư viết. “Hệ thống di trú hợp pháp của chúng ta không phải là một trò chơi bù trừ (zero-sum game); nó có thể dung hòa được cả hai giá trị này.”
Luật sư Hung nói thêm: “Thật sự là người tài nếu biết người ta sẽ được đoàn tụ với anh chị em, khả năng người ta quyết định đi Mỹ sẽ cao hơn. Nếu muốn thu hút người tài thì phải giữ lại các diện đoàn tụ.”
Vận động
APALC và các tổ chức cộng đồng gốc Á đang thúc đẩy việc trả lại hai diện bảo lãnh này. Họ đã gặp các Thượng nghị sĩ, dân biểu để hy vọng thay đổi.
Tại Quận Cam, dân biểu Loretta Sanchez của đảng Dân chủ đã gửi thư kêu gọi Ủy ban Tư pháp Thượng viện phục hồi bảo lãnh anh chị em và con đã lập gia đình trên 30 tuổi, nhưng dân biểu Ed Royce đảng Cộng hòa chưa quyết định. Cả hai đều đại diện vùng đông người gốc Á.
Dân biểu Alan Lowenthal, đảng Dân chủ, đã từng nói trong một cuộc hội thảo tại Westminster là sẽ ủng hộ tiếp tục bảo lãnh gia đình đầy đủ.
Trong cuộc thảo luận S.744 tại Thượng viện, nhiều Thượng nghị sĩ đang đưa ra các đề nghị chỉnh sửa, các tổ chức cộng đồng Á -Thái Bình Dương đang hy vọng Thượng nghị sĩ Hirono sẽ lại đưa đề nghị của bà ra cho toàn viện biểu quyết.
Mặt khác, S.744 cũng chỉ mới là dự luật của phía Thượng viện. Phải có một dự luật cải tổ di trú thông qua ở Hạ viện, rồi hai phía gộp chung lại thành một bản thỏa hiệp, rồi lại biểu quyết ở hai viện, lúc đó mới thành luật.
“Phía Hạ viện hiện chưa chính thức đưa ra đề nghị nào, mặc dầu họ cũng có một nhóm 7 người gọi là Gang of Seven đang thương lượng riêng,” nhà báo Marrera cho biết.
“Sáng nay có tin đồn Hạ viện sẽ công bố dự luật của họ vào tuần tới, nhưng không ai biết trong đó có gì và thuộc dạng nào, một vài cải tổ lẻ tẻ hay một dự luật lớn bao quát.”
Các tổ chức cộng đồng xem đó chính là dịp để vận động.
“Tôi hy vọng cộng đồng sẽ lên tiếng để chống lại việc bãi bỏ hai diện bảo lãnh này,” Luật sư Hung nói.
“Không những vậy, mà còn bảo vệ những điểm tốt trong dự luật, như đưa vợ con người thường trú nhân vào loại thân nhân trực hệ, hay điều khoản giải quyết hết hồ sơ ứ đọng, trong đó Việt Nam đứng hạng 5.”
“Những mối quan hệ gia đình cần được củng cố hơn, chứ không thể bị triệt phá,” Luật sư Hung nói.
Theo: BBC