Infosys vi phạm luật di trú Mỹ bị phạt khoản tiền kỷ lục

Infosys vi phạm luật di trú Mỹ bị phạt khoản tiền kỷ lục

Công ty gia công phần mềm lớn thứ hai Ấn Độ dự kiến sẽ phải chi trả 35 triệu USD cho việc sử dụng thị thực bất hợp pháp.

Theo The Wall Street Journal, Chính phủ Mỹ vừa ra quyết định trừng phạt Infosys với khoản tiền phạt lớn nhất từ trước tới nay vì vi phạm luật di trú Mỹ, khi tuyên bố rằng gã khổng lồ gia công phần mềm Ấn Độ đã đưa người lao động vào Mỹ bất hợp pháp bằng visa du lịch, thay vì visa lao động, để vào làm việc tại các khách hàng lớn của công ty trên toàn nước Mỹ.

Chính phủ dự kiến công bố khoản tiền phạt 35 triệu USD vào ngày 30/10. Điều tra của Bộ An ninh nội địa và Bộ Ngoại giao Mỹ phát hiện ra rằng công ty Ấn Độ này đã sử dụng thị thực B-1, một loại thị thực không tốn kém và dễ dàng có được cho những chuyến công tác ngắn ngày, thay vì thị thực lao động H-1B, khó xin hơn, để đưa một lượng lớn lao động sang cư trú và làm việc dài hạn.

Infosys vi phạm luật di trú Mỹ bị phạt khoản tiền kỷ lục

Một trong những trụ sở của Infosys tại Mỹ. Ảnh: WSJ.

Cuộc điều tra được thực hiện ngay giữa lúc đang diễn ra tranh luận về việc liệu lao động người nước ngoài, đặc biệt là trong lĩnh vực phần mềm, có đang dần thế chỗ lao động người Mỹ có trình độ bởi lợi thế lao động giá rẻ. Cuộc điều tra này cũng nhằm mục đích thúc đẩy chính phủ Mỹ thắt chặt các quy định để tránh tình trạng các nhà tuyển dụng lao động lợi dụng hệ thống nhập cư.

“Cuộc khiếu kiện cùng với khoản tiền phạt lớn là hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả các nhà tuyển dụng lao động rằng chính phủ Mỹ nghiêm túc thực thi các quy định visa H-1B”, Stephen Yale- Loehr, giáo sư luật nhập cư thuộc Đại học Cornell, cho biết.

Infosys, trong một e-mail, cho biết công ty đã làm việc với văn phòng luật sư Mỹ liên quan đến bản án dân sự của chính phủ với sự tuân thủ về hồ sơ việc làm “mẫu I-9” và việc sử dụng thị thực “B-1” trong quá khứ. Một phát ngôn viên của công ty cho biết Infosys đã dành 35 triệu USD để giải quyết vụ án và trang trải chi phí pháp lý. Người sử dụng lao động hoàn thành mẫu đơn I-9 để xác minh danh tính và ủy quyền cho mỗi nhân viên mới.

Infosys bị cáo buộc đã hạ giá trong các hồ sơ dự thầu để cạnh tranh trong lĩnh vực lập trình, kế toán và các công việc quản trị. Những khách hàng lớn của Infosys bao gồm: Goldman Sachs Group, Wal-Mart Stores Inc và Cisco Systems Inc.

Visa H-1B có thể ở lại Mỹ trong thời gian ba năm, và được thanh toán theo tính chất địa phương, người sử dụng lao động khấu trừ thuế thu nhập liên bang và tiểu bang. Trong khi visa B-1 được trả bởi người sử dụng lao từ đất nước của họ.

Infosys vi phạm luật di trú Mỹ bị phạt khoản tiền kỷ lục

Với visa H-1B, nhân viên Infosys có thể ở lại Mỹ trong thời gian ba năm,
và được thanh toán theo tính chất địa phương, người sử dụng lao động
khấu trừ thuế thu nhập liên bang và tiểu bang. Ảnh: IndiaTimes.

Visa B-1 được dành cho công dân nước ngoài đến Mỹ cho các mục đích như tham dự hội nghị kinh doanh, tư vấn với các đối tác kinh doanh, lắp đặt máy móc hay chuyển giao công nghệ. Mỗi năm nước Mỹ chỉ cấp khoảng 65.000 visa H-1B, và đôi khi nhu cầu vượt quá cung. Visa H-1B phải mất nhiều tháng để được xử lý và có thể có giá đến 5.000 USD cho mỗi cá nhân, trong đó có 2.000 USD lệ phí hồ sơ và lệ phí pháp lý. Trong khi đó, visa B-1 chỉ mất khoảng vài ngày là có thể nhận được và với chi phí chỉ là 160 USD.

Infosys được biết đến như một công ty gia công phần mềm cung cấp dịch vụ CNTT và các công nghệ khác của Ấn Độ với các khách hàng phương Tây là chủ yếu. Công ty cũng tự hào có hàng nghìn nhân viên tại Mỹ chịu trách nhiệm phát triển, cài đặt phần mềm hỗ trợ kế toán, hậu cần, quản lý chuỗi cung ứng cho các công ty bán lẻ, tài chính và sản xuất.

Khi cuộc tranh cãi diễn ra, Infosys tiếp tục mở rộng kinh doanh của mình, mang về 7,4 tỷ USD cho năm tài chính vừa qua, cao hơn 5,8% so với một năm trước đó. Trong cùng kỳ, lợi nhuận ròng của công ty cũng tăng 0,5%, tương đương 1,73 tỷ USD. Infosys có khoảng 157.000 nhân viên trên toàn thế giới, được niêm yết trên sàn chứng khoán New York.

Các cáo buộc được đưa ra ánh sáng vào tháng 2/2011 sau khi nhân viên Jack “Jay” Palmer kiện công ty vì lý do “gây phiền nhiễu và vi phạm hợp đồng”. Palmer cho rằng các nhà quản lý đã trả đũa ông sau khi ông lo ngại rằng công ty có thể đã vi phạm luật nhập cư.

Palmer cho biết, ông đã tham dự các cuộc họp ở Bangalore, nơi các quan chức Infosys thảo luận sự cần thiết phải tìm thấy “một cách thức sáng tạo để vượt qua những hạn chế của H-1B để tăng lợi nhuận và giá trị cổ phiếu của công ty”. Theo đơn khiếu nại của Palmer , ông được yêu cầu chuẩn bị thư hỗ trợ đơn xin cấp B-1 cho “nhân viên đến Mỹ tham dự các cuộc họp, chứ không phải để thực hiện một công việc”.

Ông Palmer hiện vẫn là một nhân viên Infosys nhưng ông không được giao bất kỳ công việc nào.

Theo: Chungta.vn