Đời sống trên đất Mỹ

Đời sống du học sinh trên đất Mỹ

Việc thích nghi với cuộc sống mới ở một nơi xa lạ không phải là việc dễ dàng. Đặc biệt trong môi trường đa văn hóa với đủ loại sắc dân khác nhau. Vì vậy, sinh viên nước ngoài khi đến Mỹ học sẽ dễ bị bỡ ngỡ và lo lắng vì
không biết phải cư xử, xoay sở, và thích nghi như thế nào trong hoàn cảnh khác biệt như vậy. Rất nhiều sinh viên nước ngoài khi đối diện với cuộc sống mới và môi trường mới dễ dàng bị hội chứng “Cultural Shock”. Hội
chứng này xảy ra khi chúng ta cảm thấy bị lạc vào môi trường văn hóa xa lạ mà chưa kịp thích nghi. Chúng ta không gặp được sự thông hiểu trong giao tiếp, cư xử, chưa hợp với một lối sống mới, nhớ nhà, thiếu thốn tình
cảm gia đình, người thân, hoặc thậm chí chưa hợp khẩu vị với những món ăn hàng ngày…

 

Đời sống du học sinh trên đất Mỹ

Đời sống du học sinh trên đất Mỹ

Để vượt qua những khác biệt về văn hóa này, chúng ta nên chủ động tìm sự giúp đỡ từ bạn bè đồng hương hoặc các bạn bè nước ngoài, thầy cô, các thành viên ban quản lý Ký Túc Xá (Resident Director hoặc Resident
Assistant) nơi bạn đang ở để cho bạn có cảm giác thêm gần gũi, thông hiểu, và được chia sẻ. Đồng thời, một việc làm hữu ích khác nữa là bạn nên tham gia nhiều vào các hoạt động trong trường để tạo cơ hội cho mình mạnh
dạn, tự tin hơn khi sinh hoạt trong môi trường tập thể.

Trong hệ thống các trường học Mỹ, các sinh hoạt ngoại khóa trong trường cũng như ngoài cộng đồng được tổ chức rất thường xuyên và đa dạng. Đặc biệt ở các trường nơi có sinh viên nước ngoài theo học, trường có hẳn
một Văn phòng Sinh viên Quốc Tế (International Student Services Office (ISS) được lập ra để phụ trách các vấn đề liên quan đến giấy tờ di trú, tổ chức các sinh hoạt, trợ giúp trong đời sống cho Sinh viên, thân nhân,
chuyên gia nước ngoài đang sống, học tập, hoặc làm việc tại trường.

Các trường Mỹ cũng thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt dành riêng cho sinh viên quốc tế có dịp gặp gỡ tiếp xúc với nhau và với sinh viên bản xứ. Họ rất khuyến khích sinh viên quốc tế tham gia vào các hoạt động này.
Các buổi sinh hoạt này được tổ chức định kỳ và rất phong phú theo nhiều chủ đề. Ngoài ra, sinh viên nước ngoài cần chuẩn bị những việc sau đây cho cuộc sống mới:

Thuê Ký Túc Xá/Chung Cư: Sau khi đến trường, việc đầu tiên là bạn nên ký hợp đồng thuê Ký Túc Xá hoặc phòng ở Chung Cư để ổn định chỗ ở. Việc ký Hợp đồng thuê, tùy chỗ, có thể yêu cầu bạn phải có số SSN. Bạn
có thể giải thích với chủ nhà/ ban quản lý Chung Cư là bạn là sinh viên nước ngoài và không có số SSN. Hoặc bạn có thể xử dụng số sinh viên (Student ID card) của trường bạn cấp để dùng làm số nhận dạng cá nhân.
Trong trường hợp chủ nhà/ban quản lý Chung Cư không chịu thì bạn cũng đừng nên quá lo lắng. Tốt nhất bạn nên kiếm nơi khác để thuê vì có rất nhiều nơi sẵn sàng chờ đón bạn.

Mở Tài Khoản Ngân Hàng: Đây là việc quan trọng trước tiên bạn nên làm khi mới đặt chân đến nước Mỹ. Việc có một tài khoản giao dịch tại một ngân hàng địa phương nơi bạn theo học sẽ giúp bạn rất nhiều thứ từ việc
nhận tiến chuyển khoản từ gia đình ở nước ngoài cho bạn chi tiêu, đóng học phí cho đến việc thanh toán qua thẻ, hoặc mua bán trên internet. Ngoài ra, việc có tài khoản ngân hàng tại Mỹ cũng hỗ trợ cho bạn rất nhiều trong
việc bổ sung chứng từ cho các công việc cá nhân liên quan của bạn sau này.

Tìm hiểu các dịch vụ Y Tế: Tất cả các sinh viên du học đều bị yêu cầu phải mua bảo hiểm sức khỏe. Việc tìm hiều thông tin về bảo hiểm sức khỏe cho bạn trong suốt chương trình học bên Mỹ có thể thông qua Văn phòng
Sinh viên Quốc tế hoặc các Trung tâm Y Tế và Sức Khỏe của trường. Nếu bạn qua đây cùng với gia đình thì bạn có thể tìm mua các chương trình bảo hiểm chung cho cả gia đình của bạn trong thời gian họ còn ở đây với
bạn.

Tùy theo trường mà bạn có thể bị yêu cầu cung cấp bằng chứng tiêm chủng/chích ngừa trước khi hành trình qua Mỹ. Tuy nhiên, bạn cũng có thể chích ngừa tại Trung Tâm Y Tế & Sức Khỏe tại trường sau khi bạn qua Mỹ.

Tìm hiểu các Dịch Vụ Chuyên chở Công cộng: Việc tìm hiểu và xử dụng các phương tiện chuyên chở công cộng sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều trong việc đi lại trong trường hoặc ra ngoài học xá (campus). Đây cũng là
phương tiện rất hữu ích giúp bạn đi lại trong những ngày đầu đặt chân đến nơi xa lạ. Tùy quy mô lớn hoặc nhỏ ở mỗi trường, bạn sẽ thấy các đội ngũ “School Bus” chạy theo các tuyến trong trường để chở học sinh sinh viên
đi học miễn phí hoặc thu phí rất thấp cho sinh viên. Đồng thời các đội ngũ này cũng sẽ chở các sinh viên học sinh đi ra ngoài trường đến các trung tâm vui chơi, trung tâm mua sắm, siêu thị…

Xin Số An Ninh Xã Hội (SSN): Khi bạn sống, học hành, hoặc làm việc trên đất Mỹ, hầu hết bạn sẽ phải cần có số An Ninh Xã Hội (SSN) để có thể nhận diện cá nhân bạn giống Chứng Minh Nhân Dân ở Việt Nam. Nếu
bạn không có SSN bạn vẫn có thể mở tài khoản ngân hàng và ký hợp đồng thuê phòng mà không gặp rắc rối gì.

Là sinh viên nước ngoài, việc xin SSN không phải là điều đơn giản và ai cũng có thể xin được. Khi bạn học ở trường, bạn phải trước tiên được trường đồng ý cho bạn một công việc như nhân viên thư viện, tiếp tân trong ký
túc xá, trợ giảng cho giáo sư, nhân viên phục vụ trong canteen trường… hoặc khi bạn đi làm trong chương trình Thực Tập Có Chọn lựa (OPT- Optional Practical Training) lúc tốt nghiệp. Đến lúc đó, viên chức DSO của
văn phòng Sinh viên Quốc tế sẽ viết cho bạn một lá thư để giúp bạn xin số SSN này. Đến lúc đó, bạn phải điền vào mẫu đơn xin số SSN cùng với lá thư giới thiệu của DSO đến Social Security Office tại thành phố mà bạn
đang theo học. Sau khi duyệt xét đơn xin của bạn, sở an ninh xã hội sẽ cấp cho bạn SSN và gửi về đường bưu điện trong vòng 2-4 tuần. Bạn vẫn có thể đi làm trong trường trong khi chờ đợi nhận được số SSN.

Nên nhớ rằng bạn phải giữ thật cẩn thận số SSN của bạn và không để cho bất kỳ ai biết hoặc bị thất lạc. Nếu không số SSN của bạn sẽ rơi vào tay những người xấu thì nó sẽ bị lợi dụng và xử dụng cho những việc phạm
pháp. Đến lúc đó, bạn sẽ gặp rất nhiều rắc rối về mọi mặt sau này.

Lấy Bằng Lái Xe: Nếu bạn có khả năng để mua xe phục vụ cho việc sống và học tập trên đất Mỹ thì việc bạn bắt đầu tìm hiểu luật lái xe và có bằng lái xe thì cực kỳ quan trọng. Việc lấy bằng lái xe không bắt buộc bạn phải
có số SSN. Nếu bạn chưa có số SSN, bạn vẫn có thể điền mẫu đơn xin SSN tại thành phố mà bạn đang sống. Tuy nhiên, vì bạn không có việc làm trong trường nên bạn sẽ nhận được Thư Từ chối (SSN Denial Letter) từ
Sở Anh Ninh Xã Hội cho việc cấp SSN của bạn. Bạn dùng lá Thư Từ Chối này để làm bằng chứng và làm thủ tục nộp thi bằng lái xe mà không cần có số SSN.

Mua xe: Để có thể mua được xe, trước tiên bạn cần phải có bằng lái xe. Đồng thời, bạn cũng phải mua bảo hiểm cho xe. Bạn có thể tìm hiểu các đại lý bán xe mới hoặc cũ tại địa phương bạn ở để có giá và xe phù hợp nhất.
Vì các loại xe và loại bảo hiểm ở Mỹ cũng rất đa dạng và phong phú nên việc bạn tìm hiểu thêm trên internet hoặc từ bạn bè trước khi quyết định sẽ giúp bạn tránh những sơ xót đáng tiếc.