Kinh nghiệm sống của các du học sinh tại Mỹ
Làm bạn với sinh viên quốc tế, chịu khó tham gia các câu lạc bộ của trường đã giúp tôi nhanh hòa nhập với cuộc sống ở Mỹ.
Gần đây tôi có đọc một số bài viết của các bạn trẻ Việt Nam về kỷ niệm du học của mình trên xứ Mỹ. Các bài này có vẻ mang xu hướng tiêu cực về việc du học ở vùng đất này. Tôi đã đến đất Mỹ với tư cách là du học sinh. Theo trải nghiệm của bản thân mình, quãng thời gian đó rất khó quên, tuy có khó khăn nhưng cũng tràn đầy niềm vui và sự thú vị. Sau đây cũng là câu chuyện của tôi và cũng là các cách thức tôi đã làm để học tiếng Anh tốt, hoà nhập nhanh, tránh trầm cảm, và một số kinh nghiệm khác.
Muốn du học Mỹ dễ dàng thì trước tiên cần phải nói tiếng Anh tốt. Muốn tiến triển nhanh trong bất cứ ngoại ngữ nào thì cũng cần phải sử dụng nó nhiều. Tôi đến du học nước Mỹ vào năm 2005 tại trường Green River Community College để học hai năm đầu của chương trình cử nhân của Mỹ. Trường của tôi nằm ở bang Washington và cách thành phố Seattle 45 phút chạy xe. Tôi được trường xắp xếp ở chung nhà với một gia đình người Mỹ. Việc ở chung với người Mỹ trong thời gian đầu giúp tôi tiến bộ trong tiếng Anh, giao tiếp, và cuộc sống ở Mỹ rất nhanh. Trong thời gian đó, cũng có một số bạn bè du học người Việt Nam của tôi đã không theo sự xắp xếp của trường và tư ý dọn ra ngoài ở với các gia đình người Việt. Hầu hết các bạn này về sau tiếng Anh cũng tiến bộ rất chậm vì suốt ngày sử dụng tiếng Anh rất ít.
Một mặt không kém phần quan trọng nữa là tôi làm bạn rất nhiều với các sinh viên quốc tế đến từ các nước khác nhau. Vì tiếng mẹ đẻ khác nhau nên chúng tôi luôn sử dụng tiếng Anh để nói chuyện, việc này cũng làm tiếng Anh của tôi khá lên. Ngược lại, các sinh viên Việt bên này hay đi thành từng nhóm và rất ít khi giao tiếp với các sinh viên quốc tế và người Mỹ. Hậu quả của việc ít nói tiếng Anh và nói tiếng Việt là các bạn học được rất ít tiếng Anh và cách giao tiếp của Mỹ.
Bên cạnh ngôn ngữ, một vấn đề khá nghiêm trọng mà nhiều du học sinh gặp phải khi mới sang đây là sự trầm cảm. Họ trầm cảm do nhiều lý do như xa nhà, xa người thân, đất nước lạ, văn hoá lạ, con người lạ. Để tránh trầm cảm thì sinh viên nên có các hoat động ngoài giờ ngoài việc học. Tôi đã tham gia một số câu lạc bộ sinh viên của trường để giết thời gian và tìm thêm bạn. Trường Green River cũng hay tổ chức các chuyến du ngoạn giá rẻ cho sinh viên và tôi có tham dự vài lần. Giá mỗi lần đi chơi như vậy chỉ từ 10-20 đô, chỉ bằng một phần năm số tiền bỏ ra nếu tự đi. Ngoài ra, vào các cuối tuần ngày thứ bảy, tôi và một số người bạn thân, một cô Thụy Điển gốc Phi và một cô người Hàn Quốc, thường hay bắt xe buýt lên Seattle để đi chơi và ăn uống. Giá cả của Seattle cũng không quá đắt đỏ, xe buýt thì chỉ có $1.50 một vòng đi lúc bấy giờ và ăn no cũng chỉ cần $10.00 là cùng. Ngược lại, một vài người bạn của tôi chỉ nằm nhà cả ngày vì than nhớ nhà hoặc sợ đi bộ. Khi trầm cảm mà làm vậy chỉ thêm trầm cảm mà thôi.
Ngoài hai vấn đề chính trên, tôi cũng có một số kinh nghiệm khác cho các em có dự định đi du học. Thứ nhất là đừng nên vội vàng ra ở riêng. Khi mới qua Mỹ, lựa chọn kinh tế nhất là ở với host family/ home stay. Khi ở theo chương trình này, sinh viên sẽ được nấu cho ăn ba bữa và có thể được đưa đón đi học mỗi ngày. Việc ở riêng rất tốn kém vì sinh viên phải tự đi chợ, nấu ăn, trả tiền dịch vụ như điện, nước, internet, và tiền phòng. Cụ thể hơn, lúc đó tôi phải trả $500 một tháng cho host family, và giá phòng ở ngoài là $450 cho một căn hộ một phòng chưa tính tiền ăn và các dich vụ. Thế nhưng, chỉ có một số trường có dich vụ home stay. Trong trường hợp đó thì sinh viên nên ở ký túc xá trường vì gần trường và trả ít tiền dịch vụ. Mướn phòng chỉ kinh tế và rẻ khi sinh viên ở chung hai, ba người trở lên trong một phòng ngủ.
Môt lời khuyên thứ hai là nếu các bạn đừng nên vội mua xe hơi nếu được học tập ở thành phố có hệ thống giao thông công cộng tốt. Mua xe hơi là cần phải mua bảo hiểm hàng tháng, mua xăng, và trả tiền bảo dưỡng. Đó là chưa kể đến trả tiền để đậu xe hoặc sửa chữa các trục trặc bất ngờ. Số tiền này ít nhất là hai, ba trăm đô một tháng. Trong khi đó, vé tháng cho các phương tiện công cộng chỉ chừng hai trăm đô trở lại. Các phương tiện này chạy rất đúng giờ nên sinh viên cũng chẳng sợ trễ học. Sử dụng phương tiên giao thông công cộng là một cách tiết kiệm tiền rất tốt cho sinh viên.
Vào đoạn kết, tôi cũng xin nói rõ ở đây là quá trình du học vui nhiều hay buồn nhiều cũng tuỳ thuộc vào tính cách của mỗi sinh viên, và đây chỉ là kinh nghiệm của bản thân tôi. Các bạn rút kết ra ít hay nhiều bài học phù hợp từ bài viết này hay không là tùy bản thân mỗi người. Du học Mỹ có nhiều cái khổ như tốn kém, phải xa gia đình, quê hương trong một thời gian khá dài và phải tự lập 100%, nhưng đất nước Mỹ có một nền giáo dục bậc nhất thế giới và nhiều cơ hội tốt cho những sinh viên học tập, làm việc chăm chỉ. Bản thân tôi không chống lại việc sinh viên Việt họp thành các câu lac bộ để giúp đỡ lẫn nhau trong và ngoài trường học. Tất cả các giá cả trong bài viết này là giá cả của năm 2005-2006 ở bang Washington. Giá cả có thế thay đổi theo thời gian và theo từng tiểu bang.
Chúc các bạn thành công trong con đường du học !
thẻ xanh mỹ sưu tầm