Kinh nghiệm sống, học tập và làm việc tại Mỹ

Với tôi, nước Mỹ dù có tiện nghi, xa hoa, nhiều cơ hội phát triển nhưng chưa bao giờ cho tôi cảm giác ấm cúng và đầy đủ.

Tôi là một thanh niên 22 tuổi, sang Mỹ du học được gần 4 năm, vừa tốt nghiệp cử nhân và hiện đang đi làm cho một ngân hàng đầu tư.

Là con cả trong một gia đình công nhân viên chức bình thường ở Sài Gòn, sau tôi còn hai người em gái.

Gia đình chúng tôi thật sự không có nhiều tiền, thậm chí nhiều lúc rơi vào túng quẫn khi mẹ tôi thất nghiệp năm 1997. Nhưng cả gia đình luôn yêu thương, động viên nhau cùng cố gắng.

Vào năm 2007, gia đình tôi mua được một căn nhà riêng ở quận ven và một căn hộ ở trung tâm thành phố. Lương bố mẹ tôi chưa bao giờ vượt quá 4 triệu đồng. Kết quả này là cả một quá trình cần kiệm chắt chiu tính toán chi tiêu cẩn thận, mua đi bán lại một vài mảnh đất ngoại ô.

Còn về bản thân, tôi hiểu được sự hy sinh thầm lặng của bố mẹ nên tự nhủ lúc nào cũng phải cố gắng và vững tin. Người khác cố gắng một thì tôi phải cố gắng gấp nhiều lần như vậy để đạt kết quả tương tự.

Ngày nhận được kết quả đậu đại học Y ngành bác sĩ đa khoa và đại học kinh tế đối ngoại, tôi đã suy nghĩ phải làm điều gì hơn thế. Tôi muốn bố mẹ đỡ vất vả hơn, hai em gái tôi có thể bay cao và xa hơn “con chim đầu đàn” là tôi.

Tôi bàn với bố mẹ, bán căn hộ chung cư khi còn được giá, ngay trước khi bong bóng bất động sản vỡ. Được khoảng 900 triệu, tôi xin một nửa để đi học anh văn và chi phí cho năm đầu tiên tại Mỹ. Còn một nửa tôi đề nghị bố mẹ để vào ngân hàng, lấy tiền lãi để trang trải chi phí sinh hoạt được thoải mái hơn.

Sau nửa năm học anh văn tại Việt Nam, tôi sang Mỹ và theo học trường cao đẳng cộng đồng với lời hứa trong vòng 5 năm tôi sẽ mua lại một căn hộ khác cho bố mẹ.

Thời gian đầu ở Mỹ thật sự khó khăn với một đứa con trai 18 tuổi, vốn liếng tiếng Anh bập bẹ, không người thân, và số tiền trong tài khoản chỉ vừa đủ đóng tiền học phí.

Để tiết kiệm một cách tối đa, tôi không ở ký túc xá, mà thuê một căn phòng nhỏ với hai bạn Việt Nam khác. Sau hai tuần, tôi xin được chân chạy bàn tại một tiệm mì nhỏ của người Việt ở phố Tàu.

Tôi sắp xếp lịch học để có thể làm 10 tiếng/ngày, 3.5 ngày/tuần. Công việc có hơi vất vả một chút và lương rất thấp (6.5 đồng Mỹ/giờ, không có tiền tip), nhưng bù lại không đòi hỏi nhiều kĩ năng và tiếng Anh vì đa phần khách ăn là người Việt.

Làm được khoảng 2 tháng, muốn kiếm thêm tiền trang trải và trau dồi khả năng ngoại ngữ, tôi chuyển sang làm việc tại một nhà hàng Việt khá lớn với lượng khách đa phần là người Mỹ.

Nhưng nhà hàng lớn không có nghĩa sẽ trả lương cao hơn. Tôi hơi thất vọng vì chỉ được trả 5 đồng/giờ cộng thêm một ít tiền tip với vị trí dọn dẹp và rót nước. Nhưng tôi chấp nhận sự thay đổi này vì thấy được cơ hội để rèn luyện bản thân.

Cứ thế tôi cố gắng tiếp chuyện với khách, học cách pha chế rượu, quan sát và học tập mô hình hoạt động của nhà hàng. Sau khoảng hơn 4 tháng nỗ lực hết mình, tôi được trực tiếp phục vụ món ăn và rượu.

Lúc này thì tiền tip nhận được khá nhiều, và cũng là lúc tôi có thể nói tiếng Anh khá lưu loát và đủ sức trang trải học phí.

Hơn một năm ở Mỹ, tôi nỗ lực hết khả năng vừa học vừa làm, kết thúc chương trình cao đẳng và lấy được học bổng của một trường đại học tư thục bên kia bờ Đông nước Mỹ.

Lại một lần nữa, tôi chấp nhận sự thay đổi và hy vọng điều tốt đẹp hơn. Vào đại học, tôi không đi làm thêm nhà hàng như trước nữa, mà tập trung hết sức vào việc học và nộp đơn vào chương trình CPT (F-1 Curricular Practical Training).

Chương trình này cho phép sinh viên được xoay vòng, đi học 6 tháng và đi làm toàn thời gian 6 tháng tại các công ty và được trả lương tương đương như nhân viên chính thức.

Nghe qua thì quả thật rất hoàn hảo, nhưng để xin được một công việc trong một môi trường cạnh tranh như thế đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, nhất là với học sinh quốc tế. Từ điểm số (GPA) cao, mối quan hệ tốt, kỹ năng giao tiếp, lập trình… và hơn hết là không bao giờ được nản lòng.

Tôi đã mất hơn 3 tháng, qua hơn 40 cuộc phỏng vấn (có khi kéo dài vài giờ đồng hồ), và có cả những thời điểm giam mình trong phòng vài ngày vì thất vọng. Nhưng rồi tất cả rồi cũng qua hết, tôi được nhận vào vị trí phân tích viên của một công ty bất động sản.

Với những kiến thức và kỹ năng tôi học được từ vị trí này, tôi nhanh chóng có được một công việc tốt hơn tại một quỹ đầu tư ở kì CPT thứ hai. Tôi cũng nhận được cam kết về một vị trí làm việc sau khi tốt nghiệp.

Những tưởng tôi đã có thể hái quả ngọt sau những cố gắng của bản thân. Trước khi tốt nghiệp vài tháng, mẹ tôi gọi điện từ Việt Nam sang báo tin bố tôi vì làm việc và lo lắng quá mức, nên bị đột quị chỉ còn 5% cơ hội…

Tôi gần như suy sụp hoàn toàn. Lúc đó công việc, học hành, tiền bạc… với tôi không còn một ý nghĩa nào hết. Tôi chỉ ngày đêm cầu mong cho bố vượt qua, mẹ và các em mạnh khỏe.

Bố tôi vượt qua được sau một thời gian điều trị. Nhưng khoảng vài tuần sau đó tôi nhận được thư thông báo vị trí của tôi tại quỹ đầu tư bị cắt bỏ do môi trường tài chính đang khó khăn. Tôi đã không hề buồn vì điều đó và luôn tự nhủ khi một điều không như ý muốn cũng có nghĩa nó sẽ mở ra một cơ hội tốt hơn.

Lại thêm một chuỗi ngày đi phỏng vấn miệt mài, hy vọng rồi lại thất vọng. Dù vậy, chưa bao giờ tôi tuyệt vọng. Tôi luôn quan niệm rằng công việc tốt, tiền bạc đúng là quý thật, nhưng điều quý giá hơn là tôi có một gia đình hạnh phúc với bố mẹ và hai em gái ở quê nhà.

Sau một thời gian, tôi được vào làm ở một ngân hàng đầu tư. Công việc quả thật vô vàn áp lực, nhưng lương bổng tương xứng.

Nhưng trên tất cả tôi vẫn còn trăn trở về gia đình ở Việt Nam. Từ ngày bị đột quỵ, bố tôi không thể tiếp tục làm việc dù mới qua tuổi 45.

Mọi chi phí trong gia đình đều từ thu nhập của mẹ, có phần hơi eo hẹp nếu gia đình muốn đi đây đi đó. Vậy nên tôi quyết định sẽ tiếp tục làm ở Mỹ đến hết tháng 6 năm nay, để ngân hàng có thời gian tìm người phù hợp thay thế.

Tôi đã dành dụm được khoảng hơn 50 ngàn đồng Mỹ. Với kinh nghiệm làm phục vụ thời sinh viên và niềm đam mê ẩm thực thế giới, tôi dự định về Việt Nam, mở một nhà hàng fine-dining nho nhỏ với các món ăn lạ miệng và theo phong cách đặc biệt.

Thời gian đầu, bố tôi có thể quản lý nhà hàng để có thu nhập riêng. Riêng mình, tôi vẫn muốn tiếp tục phát triển trong ngành đầu tư-tài chính nên đang tìm kiếm cơ hội ở Việt Nam. Khởi đầu lúc nào cũng sẽ rất khó khăn, nhưng tôi luôn tin tôi sẽ vượt qua bằng quyết tâm, kinh nghiệm, và sự tỉnh táo của một người trẻ 22 tuổi.

Với tôi, nước Mỹ dù có tiện nghi, xa hoa, nhiều cơ hội phát triển nhưng chưa bao giờ cho tôi cảm giác ấm cúng và đầy đủ.

Chỉ khoảng sáu tháng nữa thôi, tôi lại có thể “ta về ta tắm ao ta”, dù hiện tại không trong bằng ao người nhưng lúc nào cũng đầy ăm ắp tình cảm.

Hơn hết Đông Á vốn là tương lai của thế giới, tôi tin cơ hội sẽ luôn rộng mở cho tất cả những người chịu dấn thân và chấp nhận thử thách.

Thẻ xanh mỹ – theo Chia sẽ kinh nghiệm