Tôi luôn tự hào là người Việt khi sống ở Mỹ

Tôi luôn cho rằng mình là người may mắn vì tôi được thừa hưởng những thứ tốt đẹp nhất của hai nền văn hoá Việt và Mỹ. Sinh ra và lớn lên tại Việt Nam, tôi hãnh diện khi tự giới thiệu mình với bạn bè quốc tế rằng tôi là người Việt.

Tôi là một bạn đọc và từng tham gia chuyên mục “Bạn đọc viết”. Tôi rất thích chuyên mục này vì nó giúp cho độc giả trong nước có thêm cái nhìn toàn thiện về cuộc sống người Việt tại hải ngoại, cũng như cho những bạn trẻ như tôi đang sống tại hải ngoại biết được thêm nhiều khía cạnh khác của cuộc sống.

Tôi luôn cho rằng mình là người may mắn vì được thừa hưởng những thứ tốt đẹp nhất của hai nền văn hoá Việt và Mỹ. Sinh ra và lớn lên tại Việt Nam, tôi hãnh diện khi tự giới thiệu mình với bạn bè quốc tế rằng tôi là người Việt và tôi có hai gia đình trên cả tuyệt vời ủng hộ lẫn yêu thương mình trong những hướng đi mà tôi lựa chọn. Ba mẹ tôi tại Việt Nam là những con người mẫu mực, hết lòng thương yêu con cái và luôn cố gắng hết sức để dạy dỗ chúng tôi nên người cho dù tôi có ở nơi nào đi nữa. Họ là những con người nhân hậu, luôn công tâm trong bất cứ vai trò nào trong công việc lẫn cuộc sống.

Tôi học được từ ba tôi đức tính chân thành, biết thương yêu và giúp đỡ những người xung quanh kém may mắn hơn mình. Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh những người nông dân tay xách nách mang những luống rau vừa hái, những bao gạo họ vừa thu hoạch sau vụ mùa mang vội lên thành phố để biếu bác sĩ đã tận tâm khám chữa bệnh cho họ. Còn ba luôn túc trực tại bệnh viện bất kể ngày đêm khi người nhà của họ cần sự giúp đỡ.

Tôi học được từ mẹ sự nhân hậu và công tâm đối với những lứa học trò của mình. Sau hàng giờ đứng lớp, mẹ tôi trở về nhà thay ra vội chiếc áo dài rồi lao vào bếp lo cho cha con tôi từng bữa ăn, giấc ngủ. Gia đình Việt của mình đã dạy cho tôi những bài học về giá trị cốt lõi của gia đình, sự công tâm và cả nếp sống đẹp trong truyền thống Việt.

Tôi lập gia đình với một anh chàng người Mỹ, Jeffrey, và định cư hẳn tại Mỹ khoảng 3 năm gần đây. Tôi yêu và trân trọng chồng mình vì chính anh đã mang lại cho tôi thêm một gia đình nữa để yêu thương, để luôn cảm thấy hạnh phúc. Chồng tôi chính là người bạn đồng hành của tôi trong cuộc sống vì hai chúng tôi luôn cố gắng để giúp đỡ nhau. Gia đình chồng tôi dạy cho tôi về những giá trị của cuộc sống gia đình nơi mỗi thành viên luôn yêu thương và nâng đỡ lẫn nhau. Trong ngày kỷ niệm 42 năm ngày cưới của bố mẹ chồng, nguyện vọng của hai ông bà là muốn tôi và Jeffrey có mặt trong bữa tiệc riêng tư của họ vì đối với họ chúng tôi là món quá ý nghĩa nhất cho 42 năm chưa bao giờ ngừng yêu thương nhau.

Mẹ chồng tôi đối xử với tôi như một người mẹ dịu dàng và tâm lý với con gái. Khi mà những gì vui vẻ nhất, hay những lúc chưa được suôn sẻ nhất là bà muốn chạy ngay về nhà chia sẻ cùng tôi. Bà luôn luôn có thời gian cho tôi, cùng làm những thứ mẹ và con gái hay làm như may vá, nấu ăn hay mua sắm. Bố mẹ chồng tôi cho tôi cảm giác ấm áp và cả những nụ cười mãn nguyện từ ba mẹ tôi mỗi lần họ sang Mỹ thăm gia đình mới của mình. Jeffrey luôn cho tôi cảm giác như chính một câu nói người ta hay nói về hôn nhân: “Một khi bạn lập gia đình, bạn không chỉ cưới người chồng hay vợ của mình mà cưới luôn cả gia đình người ấy”. Nhìn ánh mắt của ba mẹ, tôi biết rằng ba mẹ tôi đã yên tâm hoàn toàn khi gả con gái mình đi xa đến hơn nửa vòng bên kia của trái đất.

Những ngày đầu tiên tôi đến Mỹ, gia đình chồng dẫn tôi tham quan trường học, bệnh viện, siêu thị… để tôi có thể hiểu và cảm thấy thoải mái hơn về môi trường xung quanh. Họ dẫn tôi đến những buổi họp của hội đồng thành phố để cho tôi biết bộ máy chính quyền Mỹ vận động như thế nào, để giúp tôi thấy rằng mình là một phần của xã hội Mỹ. Khi tôi bắt đầu đi học thì gặp phải sự rắc rối từ phía trường học do sự tắc trách của một số cá nhân. Gia đình chồng động viên tôi đứng lên đấu tranh để cho nhân viên đó làm đúng với trách nhiệm của mình. Tôi viết bài phản đối về người nhân viên đó lên báo của trường, liên lạc với cấp lớn hơn để đòi lại lẽ phải và bắt cá nhân đó phải xin lỗi công khai. Tôi học cách tự đấu tranh, tự bảo vệ mình ngay từ những ngày đầu tôi sống tại Mỹ.

Gia đình chồng luôn tạo điều kiện để tôi được thể hiện mình, để được làm những gì mình thích và trên tất cả là họ nỗ lực để tôi luôn cảm thấy rằng tôi là một phần của nơi này và đây chính là quê hương thứ hai. Tôi không ngần ngại thử các món ăn của các nước, không ngần ngại kết bạn với bạn bè đến từ các nước cũng như tham gia vào các sự kiện nơi tôi sinh sống. Vì suy cho cùng cái hay của xã hội Mỹ chính là sự đa dạng về chủng tộc, về văn hoá…nơi mà bạn bước ra cửa bạn có thể học được nhiều về những xã hội khác bởi những người chung quanh.

Tôi luôn quan sát, lắng nghe và học hỏi mọi người xung quanh để hiểu hơn về xã hội mình đang sống. Tôi yêu thích sự khám phá về những nền văn hoá khác nhau nơi mà tôi có thể dùng bữa tối kiểu người Nga với những người bạn quốc tế của mình, học cách chế biến tacco của người Mễ, học cách làm bánh của người Pháp và mời họ đến nhà mình dùng bữa tối với phở và chả giò. Bạn bè tôi luôn tấm tắc khen người Việt Nam mình sao khéo léo và thân thiện quá… Họ luôn cảm thấy ấm áp khi được mời đến nhà và yêu luôn cả văn hoá ẩm thực Việt. Không biết tôi đã dạy cho không biết bao nhiêu người bạn Mỹ của mình cách cuốn chả giò, cách bày biện phở.

Tôi đi du lịch đến nhiều bang khác nhau của nước Mỹ và tại mọi nơi tôi đều muốn thử các phong tục, cách thức ẩm thực của từng địa phương. Điều tôi tự hào khi sống ở Mỹ không phải là những thứ vật chất mà xã hội Mỹ mang lại vì ở Việt Nam nếu điều kiện gia đình bạn khá giả, bạn dễ dàng tìm thấy những điều tương tự. Điều tôi tự hào là tôi có cơ hội được trải nghiệm nhiều nền văn hoá khác nhau của các dân tộc đến từ khắp nơi trên thế giới và sống nhiều cuộc sống khác nhau. Tôi từng ngồi xe ngựa với người Amish, một cộng đồng sống tách biệt với xã hội hiện đại của Mỹ bằng cách không sử dụng điện hay những phương tiện hiện đại khác. Họ di chuyển bằng xe ngựa và rất hiếm khi chịu chở người không thuộc vào cộng đồng của họ. Tôi học cách bắn súng, cách cưỡi ngựa, cách đánh bắt cá, lái thuyền, may vá, nấu nướng cũng như nhiều thứ khác từ những con người mình thân quen hay mới gặp lần đầu. Tôi cho rằng đó là những kinh nghiệm thú vị khi tôi được khám phá nhiều nền văn hoá khác nhau khi sống tại nơi này.

Tôi đang theo học về nghệ thuật tại đây và môi trường học sinh động giúp cho sự sáng tạo của bản thân tôi được thăng hoa. Một trong những chuyên ngành tôi đang theo đó là nhiếp ảnh và tôi đang từng bước khẳng định mình khi tôi chính là sự lựa chọn cho các chính trị gia, thẩm phán, doanh nhân, diễn viên và cả người mẫu trong khu vực mình đang sinh sống. Họ cảm kích những tác phẩm tôi chụp cho họ. Chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ theo đuổi nghệ thuật vì trước đây tôi làm việc cho một công ty Mỹ về ngành đối ngoại tại Việt Nam. Tôi cũng như nhiều bạn trẻ khác, khi tuổi trẻ của mình đã có cơ hội cống hiến cho những sự kiện quốc gia, nơi chúng tôi có dịp làm việc với các nguyên thủ các nước và những con người có sức ảnh hưởng sâu rộng với cuộc sống của nhiều người. Tôi luôn cảm ơn những kinh nghiệm quý giá mà tôi có được tại Việt Nam vì chính nó giúp tôi tự tin rất nhiều khi bước sang một môi trường quốc tế khác.

Việt Nam và Mỹ đã cho tôi rất nhiều mà giới hạn của một trang viết tôi không thể nào viết ra hết được. Chỉ biết rằng tôi may mắn được hưởng thụ những gì tốt đẹp nhất của hai phần của thế giới. Hằng ngày tôi vẫn luôn cố gắng để hoàn thiện bản thân mình vì cho dù ở đâu đi nữa tôi vẫn luôn muốn là một nhân tố tốt của xã hội mình đang sinh sống. Một khi bạn quyết định sang một môi trường mới, tôi nghĩ bạn nên trang bị cho mình hai hành trang: một là ý chí, hai là kiến thức.

Kiến thức ở đây bao gồm những gì bạn học được trường lớp, từ cuộc sống để bạn có thể hoà nhập và trở nên thành công trong môi trường bạn lựa chọn. Và ý chí để bạn luôn quyết tâm khiến bản thân mình ngày một tốt hơn và thành công hơn trong cuộc sống. Tôi có đọc ở đâu đó câu nói này: “Một trong những chìa khoá của thành công hay hạnh phúc đó là: một khi suy nghĩ tiêu cực xâm chiếm suy nghĩ của bạn, hãy thay thế nó ngay bằng một suy nghĩ tích cực”. Tôi tin nếu bạn thực hiện được điều đó bạn sẽ luôn thấy hạnh phúc hơn với cuộc sống hiện tại của mình cho dù bạn có ở bất cứ nơi nào trên thế giới.

Việt Nam là nơi tôi luôn hướng về bởi nơi đó chính là gia đình, là tuổi thơ và cả những kỷ niệm tốt đẹp của tôi với bạn bè, với người thân. Tôi luôn tự hào tôi là người Việt và tôi luôn phấn đấu để thành công hơn trong cuộc sống và được công nhận cho dù tôi có ở Mỹ hay Việt Nam. Mỗi ngày trôi qua, tôi luôn sống giữa hai nền văn hoá Việt và Mỹ và tôi hài lòng về điều đó. Tôi quan niệm cuộc đời rất ngắn ngủi nên mỗi phút giây mình sống mình phải sống thật tốt và cố gắng hết mình cho những gì mình cho là quan trọng nhất.

Tôi nghĩ con tôi sau này sẽ là một đứa trẻ may mắn nhất vì nó có được một nền tảng gia đình vững chắc, sự thương yêu của ông bà hai bên và cả việc được lớn lên trong một môi trường đa chủng tộc, nơi mà sẽ dạy cho chúng biết mỗi con người là một sự khác biệt và chúng cần học cũng như tìm hiểu những con người khác nhau, được trải nghiệm để biết thế giới muôn màu muôn vẻ và cả những yêu thương lẫn thử thách ngoài kia.

thẻ xanh mỹ sưu tầm