5 câu hỏi cần trả lời khi đóng hành lý du học
Có lẽ bất kỳ du học sinh nào khi nhìn lại cũng đều đồng ý rằng “Đóng hành lý du học là một nghệ thuật”. Bởi lẽ số lượng hành lý được mang theo thì có hạn, trong khi có biết bao nhiêu thứ cần phải mang đi.
Cuộc sống của du học sinh vốn đã phải tằn tiện, dè sẻn nên càng mang được nhiều đồ cần thiết từ nhà đi thì càng tốt. Nhưng giải pháp chuyển cả căn phòng đi cùng xem ra cũng không khả thi. Đó là chưa kể khi sang nước bạn, nhiều người cũng không thể thuê được một căn phòng rộng rãi, thậm chí còn phải sống chung phòng với các du học sinh khác, vậy thì chỗ đâu mà để nhiều đồ?!
Vì vậy, hãy đóng hành lý một cách thông minh để giảm bớt những lo lắng cũng như gánh nặng của những ngày chạy nước rút trước khi du học. Những câu cần trả lời khi lên danh sách:
1. Những vật dụng sẽ có sẵn ở chỗ bạn sẽ thuê?
Nếu bạn chọn ở trong ký túc xá của trường, hãy gửi email cho trường để hỏi trước những vật dụng sẽ có sẵn, tối thiểu là nệm, trải giường, chăn, đèn bàn… Đây là những vật dụng cồng kềnh, nặng và chiếm nhiều diện tích.
Và với những vật dụng này, dù chỗ ở của bạn không có sẵn, bạn vẫn nên nghĩ đến lựa chọn sang kia hãy mua, chắc chắn là sẽ tiết kiệm và tiện lợi hơn.
2. Vật dụng này có thật cần thiết?
Đây là câu hỏi rất khó trả lời vì nhìn sơ qua thì thấy vật dụng nào cũng có vẻ cần thiết. Nhất là đối với các bạn nữ: nào giày, quần áo, mỹ phẩm, máy sấy tóc…
Tuy nhiên hãy thử tưởng tượng đến viễn cảnh bị “chôn” trong đống đồ vì phòng quá nhỏ, bạn sẽ có thêm động lực và sáng suốt để lựa chọn cái nào đi, cái nào ở.
Nếu cảm thấy quá khó, hãy nhờ một người khác như mẹ hay bạn thân giúp chọn lựa những món mà bạn thật sự cần. Với nhiều bạn, những vật dụng “sống còn” lại là những món ăn quen thuộc giúp bạn từ từ thích nghi với đồ ăn ở nơi bạn du học. Hãy biết tự cân nhắc những vật dụng phù hợp nhất với nhu cầu của mình.
3. Đóng gói, hay chờ khi sang bên kia sẽ mua?
Đây là lúc mà bạn nên vận dụng khả năng tính toán, cân nhắc tính hiệu quả. Hãy đặt một câu hỏi đại loại như liệu mang đi 5 cuộn giấy để sang kia đỡ phải mua có hiệu quả hơn nếu so sánh với những yếu tố như chỗ hành lý, cân hành lý?
Ở nước ngoài tuy mọi thứ đắt đỏ nhưng đồ nhu yếu phẩm vẫn có giá hợp lý. Hãy chuẩn bị tinh thần đi siêu thị trong ngay tuần đầu khi bạn vừa đến nơi để mua sắm nhu yếu phẩm cho mình.
4. Vali của bạn nặng bao nhiêu?
Đây là câu hỏi quan trọng mà đa phần các bạn đều bỏ qua, đó là quên ước lượng cân nặng của những chiếc vali. Khi bay đi nước ngoài, bạn sẽ được hãng hàng không cho phép mang theo một khối lượng hành lý nhất định, vượt quá con số đó sẽ phải đóng thêm phí.
Chính vì vậy, nhiều bạn đã cân nhắc, ước lượng cân nặng của hành lý rất kỹ nhưng lại bỏ qua chiếc vali. Hãy nhớ là khi đem cân ở sân bay, người ta sẽ tính luôn số cân nặng của vali vào tổng hành lý.
Hãy chọn những chiếc vali nhẹ nhưng chắc chắn, nếu phải tốn kém một chút cũng không sao vì nên nhớ chiếc vali sẽ gắn bó với bạn suốt những năm đi du học.
5. Bạn có thể gửi sang sau?
Một trong những lựa chọn thông dụng với các du học sinh là chọn gửi hàng bằng đường thủy. Tuy đồ của bạn sẽ đến nơi chậm thậm chí là cả tháng nhưng lại rất tiết kiệm, giúp bạn gửi được nhiều đồ nặng và cồng kềnh cần thiết nhất định phải có.
Giải pháp tốt nhất là nếu bạn có địa chỉ mình ở từ sớm cũng như chắc chắn về chuyến đi sẽ không có thay đổi vào phút cuối, hãy gửi đồ trước khi đi khoảng vài ba tuần để bạn không phải chờ đợi quá lâu khi sang đến nơi.
Ngọc Minh – du học sinh Pháp chia sẻ: “Năm đầu tiên khi đi du học là ‘khủng khiếp’ nhất. Càng gần đến ngày tôi càng phát hoảng vì không biết phải bỏ vật gì ở lại. Ý nghĩ về một cuộc sống xa nhà làm cho tôi cảm thấy thứ gì cũng cần phải mang theo để có thể yên tâm, nhưng số kg thì đã quá từ lâu. Năm đó tôi còn chưa tìm được nhà mà phải sang ở khách sạn trước, điều đó càng làm tăng áp lực phải đóng hành lý gọn nhẹ để dễ dàng di chuyển, tìm kiếm chỗ ở. Nhưng cuối cùng mới thấy là mình đã quá lo. Khi sang đến nơi đi học cả ngày, về nhà rất ít nên chỉ những vật dụng cơ bản cần thiết là đã đủ cho cuộc sống du học rồi. Những thứ đặc biệt khi cần thì tôi sẽ để dành dần dần khi có dịp khuyến mãi rồi mua”.
Danh sách những vật dụng thiết yếu nên mang theo:
- Giấy tờ quan trọng (passport, visa…).
- Tương đương 100 USD tiền bản xứ (đủ để dùng trong ít ngày đầu).
- Nếu bị cận thị, nhớ mang thêm một cặp kính/kính sát tròng dự phòng.
- Đủ thuốc để dùng cho đến lúc bạn được về lại Việt Nam (đặc biệt nếu bạn cần uống những loại thuốc Nam không thể tìm mua ở nước ngoài).
- Một chiếc túi xách tiện dụng.
- Máy tính và đồ sạc.
- Máy ảnh và đồ sạc.
- Đầu chuyển điện (để có thể sử dụng được các ổ cắm ở nước ngoài).
- Biến áp (nếu bạn đến Mỹ thì phải sử dụng biến áp để dùng được nguồn điện 110V ở đây).
- Quần áo tối thiểu: hai chiếc quần, áo thun, áo sơ-mi có cổ, áo lạnh, đồ ngủ, đồ lót, đồ giữ ấm như vớ, khăn, mũ…
- Khăn tắm, máy sấy tóc (trời lạnh thì phải sấy tóc sau khi gội đầu), cắt móng tay.
- Một số nhu yếu phẩm đủ dùng cho tuần đầu: dầu gội, sữa tắm, bàn chải, kem đánh răng, kem chống nắng, kem dưỡng da (khí hậu khô lạnh dễ làm da nứt nẻ).
- Dù, áo mưa.
- Một đôi giày thoải mái để đi bộ, một đôi giày lịch sự cho những dịp trang trọng.
Theo: Doanh Nhân Sài Gòn