7 câu hỏi cần giải mã trước khi du học
Có thể bạn đã từng băn khoăn trước những câu hỏi tương tự. Đừng quá lo lắng, bình tĩnh đưa đáp án nào!
“Du học tự túc chỉ dành cho đại gia”
Nếu bạn vẫn định nghĩa Du học bằng việc bỏ ra một khoản tiền kếch xù thì chưa hẳn là đúng đâu. Không phải quốc gia phát triển nào cũng có mức học phí cao ngất ngưỡng hay khoản sinh hoạt phí mà gia đình bạn không thể kham nổi.
Một ví dụ điển hình là Phần Lan, một quốc gia Bắc Âu rất coi trọng phát triển giáo dục. Tại hầu hết các trường Đại học ở Phần Lan, sinh viên không phải đóng học phí, và hoàn toàn có thể làm thêm để trang trải cho sinh hoạt phí của mình.
“Học lực của tớ không tốt lắm, học bổng không dành cho tớ đâu”. Học bổng dành cho những ai xuất sắc nhất, nhưng xuất sắc ở đây không phải được đo lường đơn thuần trên điểm số trong học bạ, mà là cả quá trình học tập và thành tích trong phong trào cũng như khả năng đóng góp trong tương lai của bạn. Hồ sơ của các du học sinh từng đạt học bổng cho thấy đôi khi không cần bảng điểm xuất sắc hay thứ hạng cao để thành công, quan trọng là bạn biết cách lựa chọn các học bổng phù hợp với bản thân cũng như “gỡ điểm” bằng một bài luận xuất sắc và sáng tạo…
“Cứ học các trường Quốc tế tại Việt Nam rồi lấy tấm bằng tương đương chứ đi du học chỉ tốn kém thêm”. Các trường Quốc tế đã được công nhận tại Việt Nam là một lựa chọn tốt an toàn đối với các bạn muốn trải nghiệm môi trường học tiên tiến hơn, với chi phí thấp hơn. Tuy nhiên, du học không chỉ giới hạn trong vấn đề bằng cấp, đó còn là cơ hội để bạn được trải nghiệm tại một môi trường quốc tế và rèn luyện tư duy cũng như khả năng tự lập. Do vậy, nếu mục đích cuối cùng của bạn là sự trải nghiệm, hãy mạnh dạn đặt những bước chân đầu tiên vào hành trình du học.
“Du học sinh sau khi về nước cũng chẳng tìm được việc làm, tiếng Anh có khi còn không lưu loát, tốt nhất không nên du học”. Du học không phải là tấm vé đảm bảo cho một công việc đáng mơ ước mà chính thái độ đúng đắn và khao khát học hỏi trong quá trình rèn luyện nơi xứ người mới là hành trang tốt nhất cho chặng đường dài sau khi tốt nghiệp. Đôi khi, thành quả của du học không thể thấy được trong ngắn hạn, và những bạn nghiêm túc với du học vẫn rất vất vả tìm việc khi về nước, nhưng nếu đủ kiên trì và quyết tâm, du học sẽ là trường đào tạo tốt nhất cả về chuyên môn, ngôn ngữ cũng như kỹ năng sống mà một khi nhìn lại bạn sẽ không phải hối hận về quyết định này.
“Tớ chỉ cần có học bổng là được”. Từng loại hoc bổng sẽ có những yêu cầu xét chọn cũng như quyền lợi/ràng buộc đi kèm khác nhau. Trước khi quyết định nộp hồ sơ, bạn không chỉ cần dành thời gian để cân nhắc các thế mạnh và điểm yếu của bản thân mà còn hiểu rõ về ràng buộc của từng loại học bổng. Nếu năm năm tới bạn muốn làm việc ở một Công ty đa quốc gia, vậy có nên bỏ theo học chương trình học bổng sẽ ràng buộc bạn làm việc cho cơ quan nhà nước trong suốt 10 năm?
“Tớ cứ đi du học, rồi sang đó cố làm việc kiếm tiền rồi sẽ “hoàn vốn” ngay ý mà“. Du học là một hình thức đầu tư cho tương lai, nhưng khả năng sinh lợi phải được tính bằng kiến thức, kinh nghiệm sống, do vậy đừng tạo áp lực cho bản thân bằng cách vay Ngân hàng một khoản tiền lớn để rồi cố gắng quá sức khi làm thêm và bỏ quên mục tiêu chính là học tập. Nếu bạn thật sự muốn đi du học, hãy dành thời gian để nghiên cứu phương án tốt nhất dựa trên tài chính của gia đình cũng như cố gắng tìm học bổng, đừng xem làm thêm như nguồn tài chính chủ yếu cho du học.
“Tớ chưa sẵn sàng, nhưng ba mẹ tới có tiền thôi thì cứ đi du học”. Có ba điều bạn phải chuẩn bị trước khi bắt đầu hành trình du học của mình, đó là Sức khỏe, Ngôn ngữ và Định hướng tương lai. Đảm bảo rằng thời tiết ở quốc gia bạn muốn đến phù hợp với điều kiện sức khỏe của bạn. Nếu không thể chịu nổi cái lạnh ở các quốc gia Bắc Âu, hãy hướng đến một khu vực ấm áp hơn. Tương tự, nên dành đủ thời gian để học ngoại ngữ cũng như xác định rõ bạn là ai ở hiện tại, trong tương lai bạn muốn là ai trước khi quyết định du học bạn nhé.
thẻ xanh mỹ – Theo ione