8 bí quyết vừa học vừa làm thành công

8 bí quyết vừa học vừa làm thành công

Cân bằng giữa việc vừa học vừa làm là điều không hề dễ dàng. Thử đọc những bí quyết dưới đây để rút kinh nghiệm cho bản thân.

Bạn có cần việc làm thêm không?

Trước hết, bạn phải xác định mình có cần một công việc làm thêm không, nếu có thì phải kiếm được bao nhiêu tiền từ công việc đó. Để làm được điều này, bạn cần hỏi han những người đi trước xem họ có mức thu nhập ra sao từ công việc tương tự, hoặc chi phí sinh hoạt hàng tháng trung bình như thế nào…

Nếu bạn không nhất thiết phải đi làm thêm để trang trải kinh phí mà chỉ nhằm mục đích trải nghiệm cuộc sống thì tốt nhất là chỉ làm những việc không tốn nhiều thời gian (vài ba tiếng/tuần) hay chờ đến hè hoặc kì nghỉ để chú tâm vào việc làm thêm.

8 bí quyết vừa học vừa làm thành công

 

Sau đây là danh sách những bí kíp vừa học vừa làm hiệu quả:

1. Làm thêm trong các kì nghỉ (nghỉ giữa kì, nghỉ lễ, nghỉ hè) là cách tốt nhất để kiếm tiền mà không ảnh hưởng tới việc lên lớp (tất nhiên là nếu có các bài tập hay kiểm tra chờ bạn vào cuối kì nghỉ thì vẫn phải tập trung ôn tập sau giờ làm).

2. Tốt nhất là tìm kiếm một công việc làm thêm liên quan trực tiếp tới ngành học và định hướng tương lai của bạn – điều này rất tốt cho hồ sơ lí lịch, thuận tiện cho quá trình xin việc sau này. Đôi khi, bạn có thể tận dụng kinh nghiệm này để xin thực tập luôn tại công ty mà không phải vất vả tìm kiếm như các sinh viên khác.

3. Mỗi điểm đến du học sẽ có một mức giờ làm giới hạn theo quy định (ví dụ: 15 giờ/tuần trong năm học đối với Thụy Sĩ). Việc tuân thủ theo quy định này sẽ giúp bạn không rơi vào hoàn cảnh “phạm pháp, đồng thời cũng giúp bạn tự giới hạn được khát khao làm thêm của mình.

4. Biết quản lí thời gian là một trong những kĩ năng cần thiết để tổ chức tốt việc học và làm. Việc biết trước giờ học nhóm, ngày thi sẽ giúp bạn chuẩn bị bài vở hiệu quả, hay khi biết trước lịch làm thêm, bạn sẽ thu xếp thời gian chuẩn bị bài vở mà không làm ảnh hưởng tới các thành viên trong nhóm thuyết trình chẳng hạn. Tốt nhất, hãy nắm hết tất cả những ngày quan trọng như hạn nộp bài luận của các môn, ngày thi, ngày họp nhóm, ngày thuyết trình… để xếp lịch cho hợp lí.

5. Làm những công việc có thời gian cố định sẽ giúp cuộc sống của bạn đơn giản hơn rất nhiều. Như vậy, bạn sẽ tự xếp được cho mình lịch ôn bài, lịch đi thư viện, lịch học nhóm với bạn bè mà không sợ thay đổi bất ngờ.

6. Có những trường Đại học rất thông cảm cho việc làm thêm của sinh viên, cũng có trường vô cùng nghiêm khắc, nên bạn cần tìm hiểu kĩ thông tin về các hỗ trợ của trường. Chẳng hạn, Đại học Université de Franche-Comté (Pháp) có chế độ đặc biệt dành cho những sinh viên vừa học vừa làm những công việc liên quan tới chuyên môn. Khi đó, bạn sẽ được phép vắng mặt không giới hạn số giờ lên lớp và cũng chỉ phải tham gia vào kì thi cuối kì để tính điểm trung bình (chứ không cần tham gia các bài thuyết trình, bài kiểm tra giữa kì).

7. Bạn có thể bận rộn quanh năm suốt tháng, lúc nào cũng trong tình trạng thiếu ngủ, nhưng đừng vắng mặt trong tất cả những cuộc vui của bạn bè ở lớp. Đây là cuộc sống và bạn cũng cần được giao thiệp, gặp gỡ bạn bè cùng lớp, cùng khoa. Hãy dành thời gian để nghỉ ngơi, xây dựng các mối quan hệ Xã hội và… xài những đồng tiền do chính mình làm ra nữa chứ!

Điều cuối cùng, cũng là điều quan trọng nhất: đừng bỏ tiết! Hãy nhớ xem bạn đã phải đánh đổi rất nhiều thứ để được trở thành sinh viên của ngôi trường đó. Hãy nhớ lại xem bạn đã lo lắng thế nào vào ngày phỏng vấn xin thị thực, nơm nớp ra sao khi chờ kết quả từ trường, hãy tính xem mỗi tiết học của bạn đáng giá bao nhiêu tiền, suy nghĩ xem bạn sẽ mất đi những gì, nếu năm học này không thể hoàn tất?

Vừa học vừa làm, nhưng việc học bao giờ cũng là ưu tiên trên hết!

Nguồn: hotcourses