Du học sinh làm thêm ở Mỹ
Sau cảm giác háo hức khi đặt chân lên nước Mỹ, hầu hết du học sinh phải đối mặt với nỗi lo tiền bạc để trang trải cuộc sống. Cũng vì vậy, làm thêm trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhiều du học sinh.
“Làm chui” lợi bất cập hại
Làm thêm vừa giúp nâng cao ngoại ngữ, vừa là niềm tự hào vì xài đồng tiền mình kiếm được, nhưng bên cạnh đó còn có những nỗi niềm chỉ có du học sinh (DHS) mới hiểu.
Có 2 loại việc làm cho DHS: làm trong trường (làm hợp pháp) và ngoài trường (làm “chui”). Làm “chui” có hấp lực không nhỏ với DHS vì dễ kiếm tiền mặt trao tay, không phải đóng thuế và việc làm khá đa dạng như: làm nail, chạy bàn, rửa chén, dọn vệ sinh, giữ em bé, cắt cỏ, giao báo…
Hoàng Thanh An, DHS ở Los Angeles, dù gia đình không khá giả lắm nhưng mới sang chưa đầy năm đã tậu xe hơi mới, mua sắm liên tục. “Từ tiền làm nail cả đấy”, An cho biết. Do có hoa tay, hoạt bát nên cô nhận được tiền thưởng (tip) rất nhiều. Tuy vậy, để được thu nhập 2.000 USD/tháng, cô phải làm 12 tiếng/ngày. Khi quen thân, An mới thú nhận: “Đi làm về là rã cả người, học sao nổi. Học kỳ vừa rồi mình đăng ký học 4 môn mà rớt đến 3”.
Dù sao An vẫn còn may mắn khi được nhận thù lao tốt. Vì làm chui là bất hợp pháp nên hầu hết các chủ tiệm không những trả lương thấp hơn quy định của chính phủ, còn “bóc lột” bắt làm việc gấp đôi mà không ai dám hó hé đòi hỏi. “Mình phải làm 6 ngày/tuần, liên tục từ 11 giờ sáng đến 10 giờ tối, chỉ nghỉ 15 phút ăn trưa. Trong khi quy định của bang Washington lương tối thiểu là 9,3 USD/giờ nhưng mình chỉ được trả 6 USD/giờ, chưa kể tiền tip của khách thì… chủ lấy”, Trần Anh Tú, Trường CĐ cộng đồng Edmond, cho biết.
Nhiều cơ hội làm việc hợp pháp
Các trường ĐH ở Mỹ như một thị trấn thu nhỏ, có đủ các dịch vụ từ quầy sách, quán ăn, bưu điện, bệnh viện… nên việc làm cũng đa dạng. DHS có thể làm ở phòng thư tín (mailing room), quán cà phê, “sang” hơn là làm những việc “đầu óc” như phòng lab, dạy kèm… DHS học giỏi, tiếng Anh tốt, biết tạo mối quan hệ với thầy, cô có thể xin làm trợ giảng. Những việc này nhẹ nhàng vì được ngồi trong văn phòng, chỉ giúp đỡ khi có sinh viên cần, còn lại thì tự do học bài thoải mái. “Ở những bang đông người Việt như Texas, California, Washington, các trường CĐ, ĐH thường có nhiều thầy cô người Việt. Hãy để ý làm quen vì họ rất sẵn lòng giúp đỡ đồng hương”, Phan Văn Tài, Trường CĐ cộng đồng Highline (Washington), bật mí.
Lương trong trường tuy không quá cao và phải đóng thuế nhưng là việc hợp pháp nên hầu hết các vị trí đều có nhiều người để mắt đến, cạnh tranh cao. “Năm ngoái mình đóng thuế chừng 200 USD, nhưng cuối năm làm thủ tục hoàn thuế, do thu nhập thấp (vì chỉ làm dưới 20 tiếng/tuần) mình được chính phủ Mỹ trả lại đến…500 USD”, Tài khoe.
Ngoài ra, sinh viên tốt nghiệp ĐH còn được làm thêm toàn thời gian (full time) công việc liên quan đến ngành học trong một năm. Đây là cơ hội để bạn lấy kinh nghiệm làm việc ở Mỹ và “kiếm chút vốn”. “Bạn hãy tìm danh sách những công ty đã nhận sinh viên theo dạng này trong những năm qua. Vì đây là nơi nhiều tiềm năng nhận bạn vào làm nhất. Tuy nhiên, hãy lên kế hoạch “xin việc” trước học kỳ cuối cùng, đừng để nước tới chân mới nhảy”, Nguyễn Thị Diệu Hiền, Trường ĐH Oregon State, chia sẻ.
Chia sẻ kinh nghiệm
Đừng vì cái lợi trước mắt
Đừng thấy cái lợi trước mắt mà quên đi mục đích quan trọng nhất của DHS là học. Chưa kể, làm chui nếu bị bắt sẽ bị trục xuất khỏi nước Mỹ. Muốn tìm việc làm (hợp pháp) trong trường, hãy thường xuyên cập nhật website của trường, hoặc hỏi trực tiếp tại trung tâm dịch vụ sinh viên (student service). Để dễ được nhận, hãy đến vào cuối mỗi học kỳ để biết sớm nhất những việc làm mới ở học kỳ sau. Ngoài ra, hãy chú ý đến tờ rơi trong thang máy và bảng thông báo công cộng tại trường về các vị trí tuyển dụng.
Hoàng Văn Tuân
(cựu sinh viên Trường ĐH Houston, Clear Lake – Texas)
Thủy Tiên – Thanh Niên