Làm thế nào để “vốn” ngoại ngữ tăng nhanh?

Rụt rè, ngại giao tiếp vì vốn ngoại ngữ hạn chế, khả năng phản xạ chậm,… là yếu tố cản trở lớn đối với tân du học sinh. Làm thế nào để cải thiện tình trạng trên nhanh nhất, hiệu quả nhất? Hãy tham khảo bí quyết của các bạn cựu du học sinh nhé.

“Những ngày đầu khi mới đặt chân đến nước Mỹ mình khá e dè, ngại giao tiếp vì vốn tiếng Anh hạn chế, khả năng phản xạ bằng tiếng Anh chậm. Nhưng giờ, mọi việc đã khá hơn nhờ những kinh nghiệm quí báu mà các anh chị đi trước chia sẻ”, Thu Trang (du học sinh năm thứ nhất trường California Institute of Technology, Mỹ) cho biết.

Thú thật, thời gian đầu mình khá căng thẳng, lo lắng, thậm chí là stress vì chưa thích nghi quen với cuộc sống ở đây, bên cạnh đó tiếng Anh của mình chưa thực sự tốt nên cản trở lớn trong giao tiếp và ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc học tập. Nhiều hôm ở trên lớp nghe giáo viên giảng bài mà mình không hiểu được bao nhiêu, về nhà đọc thêm trong sách thì cứ vừa đọc vừa phải tra thêm từ điển,… quả thật rất vất và mà hiệu quả lại thấp.
Sau đó, mỗi buổi lên lớp Trang dùng máy ghi âm ghi lại bài giảng của giáo viên, về nhà mình chịu khó nghe lại những đoạn chưa hiểu. Các buổi lên lớp mình chủ động làm quen các bạn người bản xứ, chủ động trò chuyện, tham gia thảo luận nhóm. Thậm chí, những từ mới mình ghi lại vào một quyển sổ nhỏ, đi đâu cũng mở ra học, bất kể khi nào có thời gian rảnh, có thể là trong lúc chờ tầu điện, ngay cả khi vào nhà vệ sinh,… mình đọc báo, nghe nhạc, xem TV,… nhưng quan trọng nhất là khi học mình tập trung cao độ. Sau đó vài tháng vốn tiếng Anh của Trang cải thiện lớn, mình không còn stress như hồi đầu nữa.
Vấn đề trên không chỉ xảy ra với trường hợp của Thu Trang, mà hầu hết các bạn du học sinh thời gian đầu khi đi du học đều vấp phải. Vậy, làm thế nào để cải thiện vốn ngoại ngữ của mình một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất? Hãy tham khảo bí quyết của các bạn cựu du học sinh nhé.
Minh Hiếu, cựu du học sinh trường NTU – Singgapore chia sẻ: Thời gian đầu, khi mới ra nước ngoài vì vốn tiếng Anh chưa tốt nên mình không tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh. Cũng vì xấu hổ nên nhiều câu dù không hiểu cũng ngại không dám hỏi. Mất vài tuần đầu như thế, về sau Hiếu cũng nhận ra điều này khá nguy hiểm và là trở ngại lớn trong việc học tập. Từ đó, Hiếu thay đổi 360 độ luôn, từ chỗ ít nói, ngại giao tiếp mình nói nhiều, giao tiếp nhiều với người bản xứ. Mạnh dạn hỏi lại người đối thoại với mình khi không hiểu, xem TV, nghe nhạc, học trên internet và tham gia sinh hoạt ở các CLB của trường,… Tóm lại, mình học ở mọi nơi, mọi lúc,…

Chia sẻ bí quyết tích lũy vốn tiếng Nhật của mình, Đức Anh cựu du học sinh trường Đại học Nagoya cho biết: Nói và nói là bí quyết để nâng cao khả năng tiếng Nhật của mình. Khi nghe không hiểu, bạn nên mạnh dạn hỏi lại người nói, vì bản thân người đang nói chuyện với bạn, ngay cả là người đã sống ở nước ngoài lâu năm cũng có thể nói một số âm không chuẩn. Để hạn chế khó khăn trong việc nghe hiểu, trước khi du học, bạn nên tập nghe thật nhiều và mỗi ngày nên dành một khoảng thời gian để học tiếng để nó thấm vào máu và thành phản xạ tự nhiên.
Với những chia sẻ “quí báu” của các bạn cựu du học sinh đã từng có thời gian trải qua giai đoạn khó khăn về ngoại ngữ, chuyên mục Du học báo Dân trí chúc các bạn tìm ra cho mình một phương pháp học phù hợp để tích lũy “vốn liếng” một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.

thẻ xanh mỹ – Theo Song An (Dân trí)