“Săn” học bổng nhờ năng khiếu
Khó “định lượng, định tính” so với học bổng học thuật, tuy nhiên, học bổng du học trong các lĩnh vực âm nhạc, nghệ thuật, thể thao (học bổng năng khiếu) lại dễ được nhận giá trị toàn phần.
Điểm cộng cho hồ sơ xin học bổng
Tháng Chín này, Nguyễn Kiều Oanh sẽ nhận học bổng (HB) toàn phần lớp 12 tại một trường tư thục tại bang California, Mỹ. Nhờ năng khiếu âm nhạc và hoạt động xã hội tích cực, Kiều Oanh đã “chiến thắng” trong cuộc đua giành HB.
Nếu như HB học thuật dễ xét vì có học bạ, bảng điểm và điểm số các kỳ thi chuẩn hóa (SAT, TOEFL hay IELTS) thì HB năng khiếu, hoạt động xã hội lại khó xác định trong một thời gian ngắn. Do vậy, cũng giống như Kiều Oanh, nhiều du học sinh (HS) phải đi đường vòng, tức chấp nhận một năm tự túc học phí và cố gắng chứng minh năng khiếu thật sự với nhà trường. Và năng khiếu nổi trội sẽ là “điểm cộng”, giúp ứng viên dễ nhận HB hơn. Đại diện Trung tâm tư vấn Giáo dục Hoa Kỳ (Education USA) cho biết: “Ở bậc ĐH, rất ít em được HB toàn phần. Nhưng với mục tiêu “săn tìm” những tài năng thể thao, việc một HS giành suất HB toàn phần trong lĩnh vực này thuận lợi hơn so với HS xuất sắc về học lực. Mỗi năm, các ĐH Mỹ cấp HB thể thao cho tổng cộng 126.000 sinh viên, nhằm tuyển mộ các tài năng thể thao về học trường mình”. HB thể thao bao gồm tất cả học phí và chi phí sinh hoạt để theo học tại một trường ĐH ở Mỹ và không phân biệt đối tượng có là công dân bản xứ hay không.
Tương tự, một số trường ở Anh cũng cấp HB thể thao cho HS THPT hoặc HS đã tốt nghiệp THPT, sinh viên đang học ĐH hoặc đã tốt nghiệp ĐH có năng khiếu thể thao không chuyên thuộc các lĩnh vực sau: bóng đá, tennis, golf, bóng rổ…
Ngoài tài năng trong lĩnh vực thể thao, HB năng khiếu còn bao gồm tài năng đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật hay khả năng lãnh đạo, phục vụ cộng đồng. Điểm đặc biệt là HS được nhận HB năng khiếu có thể học lấy bằng cấp trong bất kỳ lĩnh vực nào của trường ĐH, tuy nhiên HS phải đáp ứng yêu cầu đầu vào của trường. Và sau đó, du HS cần tiếp tục đạt kết quả tốt để duy trì HB của mình.
Không chỉ các quốc gia Âu Mỹ coi trọng HS có năng khiếu nghệ thuật, thể thao, một số quốc gia châu Á cũng cấp HB dành cho HS có năng khiếu. Ông Trần Thanh Dương, quản trị chương trình du học của Trung tâm đào tạo Việt Nam Hợp Điểm thông tin: Học viện Quản lý Singapore (SIM) cấp HB cho HS có năng khiếu ở lĩnh vực nghệ thuật, văn thể mỹ. Tháng Ba và tháng 10 hàng năm là hai thời điểm nhập học ở SIM.
Đối tượng HS năng khiếu vốn ít ỏi nên HB dành cho các em không phổ biến đại trà, do vậy, các nhà tư vấn khuyên HS nên liên lạc trực tiếp với trường nghệ thuật, thể thao hoặc trường có thế mạnh về phong trào. Thời gian xét duyệt HB năng khiếu thường chậm nên HS phải kiên nhẫn chờ đợi kết quả.
Chuẩn bị sớm, thành công cao
Quá trình chuẩn bị hồ sơ xin HB sẽ quyết định mức độ thành công của việc xin HB. Ông Nguyễn Phương Thức, Trưởng đại diện Tập đoàn SMG khu vực Đông Nam Á cho rằng, nếu HS chuẩn bị càng sớm thì cơ hội săn được HB càng cao. Thông thường, các em cần lên kế hoạch từ 12 đến 18 tháng trước khi nộp hồ sơ xin học. Các trường sẽ dựa trên kết quả học tập, các bằng chuẩn hóa (SAT, TOEFL hay IELTS…), khả năng đóng góp cho trường, xã hội… để xem xét. Ngoài ra, trong phần giới thiệu về mình, các em phải biết tìm ra được điểm mạnh của mình và biết làm nổi bật ưu điểm. Tất cả các loại HB và hỗ trợ tài chính cho SV quốc tế có tính cạnh tranh rất cao và đòi hỏi ứng viên không chỉ phải có thành tích học tập xuất sắc mà còn hăng hái tham gia các hoạt động ngoại khóa, xã hội.
Bà Huỳnh Thị Tuyết, quản lý văn phòng của Trung tâm Tư vấn du học Quốc Anh TP.HCM khuyên: HS nên liên lạc trực tiếp với các cơ quan giáo dục, trung tâm tư vấn du học trực thuộc các lãnh sự quán – nơi có những nguồn HB, bao gồm HB năng khiếu chính thống. Thông thường, các em giỏi nghệ thuật, thể thao nhưng Anh văn lại không đọc thông, nói thạo. Tuy các trường cũng châm chước trong yêu cầu đầu vào ngoại ngữ cho các em, ví dụ, HS bình thường phải đạt IELTS 6.5, nhưng HS năng khiếu có thể 5.5 cũng được xem xét hồ sơ, nhưng HS vẫn cần phải trau dồi ngoại ngữ trước khi xin HB. Nếu không, trong quá trình học tập sẽ gặp nhiều khó khăn và có khi “giữa đường gãy gánh”.
Theo bà Quách Thị Mỹ Ngọc, chuyên viên tư vấn cao cấp của Education USA, trước khi tìm HB ở nước ngoài, SV nên tìm hiểu nguồn HB ngay ở nước mình. Như chương trình HB 322 của Bộ GD-ĐT Việt Nam hoặc các tài trợ từ các quỹ, doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Bà Quách Thị Mỹ Ngọc chia sẻ kinh nghiệm: “Những du HS muốn giành HB, trước hết nên thi TOEFL, nếu có thêm SAT (bậc ĐH) hoặc GRE, GMAT (sau ĐH) càng tốt. Bên cạnh đó, SV cần chuẩn bị kỹ các thư giới thiệu của thầy cô, bài tự luận, quá trình hoạt động xã hội… Các trường cấp HB thường dựa vào nhu cầu thực tế của Việt Nam, ngành nào cần phát triển, ngành nào cần quan tâm. Mặt khác, các trường luôn mong muốn du HS được cấp HB sẽ trở về nước sau khi tốt nghiệp. Vì vậy, muốn xin HB thành công, các em cần đăng ký học những ngành nghề mà Việt Nam đang thiếu chuyên gia và thể hiện rõ quyết tâm sẽ trở về phụng sự đất nước”.
Thẻ xanh mỹ – theo Phụ Nữ Online