Hệ thống đại học Mỹ tìm cách cải thiện các lớp ôn tập

Hệ thống đại học Mỹ tìm cách cải thiện các lớp ôn tập

Từ lâu nay, hệ thống đại học Mỹ vẫn phải đón nhận nhiều học sinh trung học không được chuẩn bị đầy đủ để lên đại học. Và đi cùng với thành phần học sinh này là nhu cầu phải ôn tập lại cho họ các lớp như toán và Anh văn để có thể theo kịp các bạn khác trong lớp – cũng như một chiếc cầu nối giữa bậc trung và đại học.

Nhưng kết qủa một cuộc thăm dò trên toàn quốc mới đây cho thấy chỉ có khoảng 25% sinh viên từng theo học các lớp ôn tập (remedial classes) này tốt nghiệp đại học.

Vấn đề này trầm trọng đến nỗi tổ chức vận động cải thiện đại học Mỹ có tên “Complete College America” gọi đây là “chiếc cầu vô định.” Các nhà giáo dục Mỹ cho hay dù rằng có hàng tỉ đô la được chi mỗi năm vào các lớp ôn tập, nhiều sinh viên bị cạn nguồn tài trợ trước khi họ có đủ số tín chỉ cần thiết để tốt nghiệp, bị chán nản vì các lớp phải học mà không có tín chỉ hay cũng không thể đậu các lớp ôn tập này.

Hệ thống đại học cộng đồng ở thành phố Baltimore, tiểu bang Maryland, là một trong những nơi tìm cách cải thiện tình trạng hiện nay.

Hệ thống đại học Mỹ tìm cách cải thiện các lớp ôn tập

Trong một lớp ôn tập môn tiếng Anh tại Baltimore City Community College, Baltimore. (Hình: AP Photo/Patrick Semansky)

Nơi đây có giải pháp gộp một số lớp ôn tập lại với nhau để sinh viên không phải mất quá nhiều thời giờ.

Trường cũng gia tăng số người giúp dạy kèm và xem lại cách dạy các lớp này, như chỉ dạy những gì người sinh viên thực sự cần biết.

Trên toàn quốc, có khoảng hơn 1/3 các sinh viên đại học – và với khoảng hơn một nửa số sinh viên đại học cộng đồng- cần có được các lớp ôn tập.

Một số học sinh có khi vào đại học với trình độ thua kém các bạn học cùng lớp ở mức hai, ba, hay bốn khóa học trong một đề tài nào đó, như toán, theo lời ông Thomas Bailey, thuộc trung tâm nghiên cứu đại học cộng đồng ở trường đại học sư phạm Teachers College, thuộc đại học Columbia University.

Ðiều đó tạo thêm áp lực lên những đại học hiện đang chịu áp lực phải giảm bớt học phí và giúp Tòa Bạch Ốc đạt được chỉ tiêu có tỉ lệ dân chúng tốt nghiệp đại học cao nhất thế giới vào năm 2020.

Và điều này cũng khiến tạo ra nhiều phát kiến trên cả nước.

Một thí dụ điển hình là tại tiểu bang Massachusetts, nơi các đại học công lập đang thử dùng điểm trung bình học bạ thay vì kết quả kỳ thi tiêu chuẩn để nhận định xem những học sinh nào thực sự cần các lớp ôn tập khi lên đại học. Họ cũng xem là có nên bỏ bớt một số các lớp đại số và thay bằng các lớp thống kê cho một số ngành học.

Tại đại học Texas State University và một số nơi khác, các nhà giáo dục đang thi hành mô hình cho phép một số học sinh vừa ghi danh theo học lớp ôn tập vừa học lớp thường cùng đề tài. Tiểu bang Connecticut đang tìm cách cho thêm nhiều học sinh trung học được vào các lớp của họ trước khi các học sinh này tốt nghiệp cũng như khuyến khích các đại học công lập gửi giáo sư đến các trường trung học để có thêm sự phối hợp. Bên cạnh đó, trường cũng gia tăng sự hỗ trợ như dạy kèm cho sinh viên.

Ðại học City University of New York đưa ra một chương trình theo đó người sinh viên được theo học các lớp ôn tập ngắn gọn, được soạn thảo kỹ càng để họ nhanh chóng có được những hiểu biết cần thiết và để tiết kiệm tài chánh cho các lớp có tín chỉ.

Richard Freeland, ủy viên đại học tiểu bang Massachusetts, nói rằng ông hy vọng sự chú ý hiện nay sẽ giúp cải thiện vấn đề, nhưng ông cũng giữ cái nhìn thực tế về những thử thách đang phải đối diện. Trong khoảng 11,000 sinh viên đại học cộng đồng ở Massachusetts phải học lớp ôn tập về toán trong khóa mùa Thu 2010, có tới 9,000 sinh viên chưa đậu được một lớp có tín chỉ nào, theo bản báo cáo năm 2013. (L.T.)

Người Việt Online