2014: Một năm nhìn lại Di Dân Việt Nam
Theo bản báo cáo mới nhất của Ban Nghiên Cứu Quốc Hội Hoa Kỳ, Việt Nam đứng hàng thứ tư trong danh sách của những quốc gia có đông người di dân nhất đang chờ đợi để sang Hoa Kỳ theo các diện bảo lãnh thân nhân gia đình.
Hiện tổng cộng có 155,000 di dân đang chờ đợi duyệt xét theo diện bảo lãnh theo thứ tự ưu tiên, bao gồm 6,400 con của các công dân Mỹ, 8,700 con độc thân của thường trú nhân, 64,000 con đã có gia đình của các công dân Mỹ, và 170,000 anh chị em của các công dân Hoa Kỳ.
Để nhìn lại một năm vấn đề di dân của người Việt Nam, chúng ta sẽ duyệt lại những thay đổi trong những điều luật di trú đã xảy ra trong năm 2014 và ảnh hưởng đến cộng đồng Việt Nam ra sao.
Những sự thay đổi mới nhất và quan trọng nhất đã xảy ra vào cuối tháng 11 năm 2014 khi Tổng thống Obama loan báo về Tác Động Hành Pháp của ông. Vấn đề này bao gồm:
- Nới thêm số tuổi của những người hợp lệ chương trình Tạm Hoãn (Thi Hành Lệnh Trục Xuất) Của Những Người Đến (Hoa Kỳ) Từ Thơ Ấu (tức Deferred Action for Childhood Arrivals, gọi tắt là DACA), bao gồm những người đến Mỹ trước 16 tuổi và hiện đang ở Hoa Kỳ từ ngày 1 Tháng Giêng năm 2010; tăng thời gian của chương trình DACA và giấy phép được làm việc tăng từ 2 năm đến 3 năm. Thời gian duyệt xét bắt đầu từ Tháng Hai năm 2015.
- Cho phép cha mẹ của các công dân Mỹ và thường trú nhân từng ở Hoa Kỳ từ ngày 1 Tháng Giêng năm 2010 được tạm hoãn thi hành lệnh trục xuất và được quyền làm việc trong 3 năm theo chương trình Tạm Hoãn (Thi Hành Lệnh Trục Xuất) Vì Trách Nhiệm Cha Mẹ (tức Deffered Action for Parental Accountability program, gọi tắt là DAPA). Những người này phải qua kiểm tra lý lịch cá nhân. Đơn sẽ được Sở di trú chính thức nhận từ Tháng Năm 2015.
- Mở rộng thêm lợi ích cho những người được miễn trục xuất tạm thời vì cư ngụ bất hợp pháp, bao gồm người hôn phối và các con của các thường trú nhân và các con của công dân Hoa Kỳ, và
- Nhẹ nhàng hơn với những đòi hỏi cần chứng minh hoàn cảnh “vô cùng khó khăn”.
Vấn đề con nuôi: Vào tháng 9 năm 2014, sau 6 năm thương lượng, Hoa Kỳ và Việt Nam sau cùng đã thành hình một Hiệp định con nuôi mới. Hiệp định con nuôi mới này được gọi là Chương Trình Con Nuôi Đặc Biệt và cho phép việc nhận con nuôi theo ba loại trẻ em sau đây:
- Trẻ em với tình trạng y tế không tốt, chẳng hạn như bị bệnh liệt kháng HIV, và những trẻ em bị tàn tật,
- Trẻ em ít nhất từ 5 tuổi và đến 15 tuổi,
- Trẻ em trong nhóm có nhiều anh em ruột, từ hai em trở lên, và ít nhất trong số này phải có em dưới 16 tuổi.
Sự thay đổi quan trọng thứ hai trong Chương Trình Con Nuôi Đặc Biệt là những em này sẽ được chọn bởi nhà nước Việt Nam. Điều này có nghĩa là các cơ quan của nhà nước Việt Nam sẽ cung cấp cho những cha mẹ muốn nhận con nuôi những thông tin về một hoặc nhiều trẻ em hợp lệ để được nhận làm con nuôi. Cha mẹ nuôi có thể chọn một trong những em này hoặc từ chối tất cả.
Thay đổi quan trọng thứ ba là chỉ có hai văn phòng con nuôi ở Hoa Kỳ có thể tham dự Chương Trình Con Nuôi Đặc Biệt. Hai văn phòng này là Dillon International và Holt International Children’s Services. Chỉ có hai văn phòng này có thể làm việc trực tiếp với nhà nước Việt Nam trong việc duyệt xét những hồ sơ con nuôi.
Luật Bảo Vệ Tuổi Trẻ Em (CSPA): Vào tháng 6 năm 2014, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ – một cách bất ngờ và thật đáng buồn, đã từ chối việc thay đổi Luật Bảo Vệ Tuổi Trẻ Em. Họ nói rằng vấn đề này thuộc về quốc hội. Vì thế, nhiều trẻ em trên 21 tuổi của hai diện bảo lãnh F3 và F4 phải đợi cho đến khi cha mẹ đến Hoa Kỳ và nộp đơn bảo lãnh các em theo diện F2B.
Liệu chúng ta có thể kỳ vọng về việc Cải Tổ Di Trú trong năm 2015 không?
Đây là vấn đề thuần túy chính trị. Sẽ có sự cải tổ rõ rệt nếu các dân biểu thấy rằng điều này sẽ mang lại nhiều phiếu bầu hơn để giữ chân họ trong nghị trường. Tác Động Hành Pháp của Tổng thống Obama chỉ là thước đo tạm thời. Để đạt được việc cải tổ di trú thực sự sẽ đòi hỏi hành động cụ thể của quốc hội.
Diện bảo lãnh F2A dành cho vợ-chồng và con độc thân dưới 21 tuổi của các Thường trú nhân tiếp tục tiến nhanh với thời gian chờ đợi khoảng một năm rưỡi để hồ sơ đáo hạn.
Diện bảo lãnh F2B dành cho các con độc thân và trên 21 tuổi của các Thường trú nhân vẫn phải đợi trên 5 năm, nhưng ngày đáo hạn của diện này hiện cũng tiến rất nhanh.
Thống kê mới nhất cho thấy Hoa Kỳ đã thu nhận số sinh viên quốc tế du học cao nhất trong lịch sử, đã đón nhận 819,644 sinh viên chưa tốt nghiệp và sinh viên hậu đại học vào các trường đại học khắp nơi đến đất Mỹ. Sinh viên đến từ ngoại quốc đã thêm vào gần 24 tỷ Mỹ kim cho nền kinh tế Hoa Kỳ. Số sinh viên du học từ Trung cộng xin học tại các trường đại học ở Hoa Kỳ đã tăng gần 235,000 người.
Thẻ Xanh cho người đầu tư: Số đơn chấp thuận chiếu khán EB-5 cũng tăng đáng kể, mặc dù thời gian duyệt xét lâu hơn thời gian bình thường là 13.8 tháng do Sở di trú quy định. Năm 2014 đã có 11,000 hồ sơ EB-5 nộp với Sở di trú, bằng ¼ tổng số hồ sơ EB-5 từ khi chương trình được bắt đầu từ năm 1990. Ngoài ra cũng trong năm 2014, Sở di trú đã nhận 2,500 đơn xin thẻ xanh dài hạn 10 năm (I-829), và 270 đơn xin thành lập trung tâm vùng (I-924). Sở di trú có kế hoạch xét 1,000 hồ sơ EB-5 một tháng kể từ đầu năm 2015.
Tóm lại, đến Hoa Kỳ vẫn là cách chọn lựa hàng đầu của hầu hết di dân, kể cả di dân người Việt Nam.
Theo: Đầu tư Mỹ – Báo Trẻ Online