Cập nhật chương trình đầu tư EB5 Miễn thị thực và hôn phu, hôn thê
Chương Trình Đầu Tư Di Dân EB5 hiện đã được gia hạn cho đến ngày 16 tháng 12 năm 2015, và luật mới kỳ vọng sẽ bắt đầu trong tuần lễ này. Chương trình EB5 hy vọng sẽ kéo dài đến Tháng Chín năm 2019. Các nhà đầu tư nào đầu tư và nộp đơn với Sở di trú trước khi luật mới được thi hành sẽ vẫn được cứu xét theo luật cũ.
Những thay đổi chính yếu trong luật mới sẽ là tăng số tiền đầu tư tối thiểu từ 500,000 USD lên 800,000 USD cho việc đầu tư trong Những Trung Tâm Vùng hoặc những nơi có tỷ lệ thất nghiệp cao, hoặc những vùng thôn quê. Đối với việc Đầu Tư Trực Tiếp, số tiền tối thiểu sẽ từ 1 triệu USD lên đến 1 triệu 20.000 USD.
Nhiều chi tiết trong luật mới hiện chưa được niêm yết, nhưng điều chắc chắn là Những Trung Tâm Vùng sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn từ Chính Phủ Liên Bang. Những điều lệ Đầu Tư Trực Tiếp EB5 sẽ tiếp tục như trước với những thay đổi rất nhỏ hoặc không, bất kể quốc hội muốn làm gì đi nữa với chương trình Trung Tâm Vùng.
Đạo luật Di trú 1990 dành 10,000 chiếu khán (visa EB5) mỗi năm cho những di dân muốn đầu tư tài chính vào những doanh nghiệp ở Hoa Kỳ và phải tạo ít nhất 10 việc làm. Đổi lại, người đầu tư (cộng thêm người phối ngẫu và con) sẽ nhận được Thẻ Xanh có điều kiện 2 năm. Nếu thực hiện được mục đích tạo thêm việc làm, Thẻ Xanh có điều kiện có thể được đổi thành diện thường trú chính thức, và con đường đến quốc tịch Hoa Kỳ.
Những chương trình Trung Tâm Vùng cho phép các nhà đầu tư ngoại quốc rút tiền của họ trong hai năm sau khi họ có quy chế Thường Trú Nhân hợp pháp chính thức. Ước tính có đến 4 tỷ 200 triệu USD đã được đầu tư trong chương trình Trung Tâm Vùng và đã tạo 77,150 việc làm kể từ khi chương trình EB5 ra đời 25 năm trước đây.
Những thay đổi về Chương Trình Miễn Thị Thực Chiếu Khán (tức Visa Waiver Program) cũng đã được thông báo. Những thay đổi này sẽ giúp các nhân viên an ninh kiểm soát du khách cẩn trọng hơn. Hiện nay, những du khách từ 39 quốc gia được phép nhập cảnh Hoa Kỳ mà không cần có chiếu khán trước khi du lịch.
Vì những vụ tấn công khủng bố tại hai thành phố Paris và San Bernadino, chính phủ đã quan tâm nhiều hơn về cách người ta nhập cảnh Hoa Kỳ. Bộ Nội An sẽ bắt đầu ngay việc thu thập nhiều thông tin hơn từ những du khách về những chuyến viếng thăm trước đây của họ đến những nước như Syria và Iraq chẳng hạn.
Vào ngày 6 tháng 12 vừa qua, trong một thông điệp quan trọng, Tổng thống Obama đã nói đến một chương trình cần được xem xét kỹ lưỡng, đó là Chương Trình Miễn Thị Thực Chiếu Khán. Ông nói rằng đã “chỉ thị cho Bộ Ngoại Giao và Bộ Nội An duyệt lại chương trình miễn thị thực chiếu khán mà theo đó, người phụ nữ khủng bố tại San Bernadino đã sử dụng (lọai chiếu khán này) để đến Hoa Kỳ”.
Tuy nhiên, bài diễn văn của Tổng thống đã có một điểm sai. Người phụ nữ khủng bố thực ra đã đến Hoa Kỳ với chiếu khán hôn thê (fiancée). Sau bài diễn văn của Tổng thống, Tòa Bạch Ốc đã minh xác rằng cả hai chương trình miễn thị thực chiếu khán và chiếu khán hôn phu-thê K1 sẽ được duyệt xét lại.
Những đương đơn xin chiếu khán K1, giống như những đương đơn có loại chiếu khán khác, đều sẽ bị sàng lọc rất kỹ lưỡng để chống lại khủng bố, bao gồm việc kiểm tra dựa trên dấu vân tay và nhu liệu nhận dạng khuôn mặt. Việc chấp thuận người phụ nữ khủng bố tại San Bernadino nhập cảnh Hoa Kỳ như một hôn thê có nghĩa là y thị không nằm trong danh sách của những người có liên hệ đến khủng bố.
Việc quan tâm đến Chương Trình Miễn Thị Thực Chiếu Khán đã từng được nêu lên trong một số lần trước đây. Đây là chương trình cho phép công dân từ 38 quốc gia, bao gồm 30 quốc gia tại Âu Châu, du lịch sang Hoa Kỳ vì lý do công việc hoặc du lịch cho đến 90 ngày mà không cần có chiếu khán. Đổi lại, các công dân Hoa Kỳ có thể thăm viếng các nước kể trên theo cách thức tương tự.
Du khách theo diện Miễn Thị Thực Chiếu Khán cần có sổ thông hành (passport) hợp lệ và được thông qua bởi Hệ Thống Điện Tử Cho Phép Du Lịch (tức Electronic System for Travel Authorization) của Bộ Nội An Hoa Kỳ. Hệ thống này kiểm tra hồ sơ lưu trữ mọi thông tin của du khách.
Nỗ lực bảo vệ an ninh đã gia tăng trong thời gian gần đây. Vào ngày 30 tháng 11 vừa qua, Tòa Bạch Ốc đã loan báo những cải tiến về chương trình an ninh này, bao gồm việc gia tăng chia sẻ thông tin với những quốc gia bạn và kiểm tra xem nếu có những du khách đã từng đến một nước được xác nhận là nơi ẩn náu an toàn của bọn khủng bố.
Các nhân viên an ninh Hoa Kỳ không quá lo âu về những người tỵ nạn Syria đến Hoa Kỳ sau khi họ được kiểm tra kỹ lưỡng. Các nhân viên chính phủ Hoa Kỳ quan tâm nhiều hơn vấn đề khủng bố có thể xảy ra từ nhóm khủng bố ISIS hoặc các nhóm phiến quân khác có thể đến Hoa Kỳ như du khách từ một trong 38 quốc gia được miễn thị thực nhập cảnh.
Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đã bác dự tính của tiểu bang Texas muốn trì hoãn việc xem xét Những Tác Động Hành Pháp của Tổng thống Obama. Vì thế, điều sẽ rất có thể xảy ra là Tối Cao Pháp Viện sẽ có phán quyết về hồ sơ này vào Tháng Sáu năm 2016.
Những Tác Động Hành Pháp của ông Obama có thể bảo vệ đến 5 triệu di dân bất hợp pháp không bị trục xuất và cho họ được phép làm việc. Chương trình DAPA được công bố một năm trước đây nhưng chưa có hiệu lực. Chương trình này dành cho những người có con là công dân Mỹ hoặc là thường trú nhân hợp pháp và hội đủ những điều kiện khác.
Hồ sơ này rất quan trọng vì các sinh hoạt vận động tranh cử tổng thống đã bắt đầu.
Lê Minh Hải – Báo Trẻ Online