Di Trú: Phỏng vấn chiếu khán di dân

Di Trú: Phỏng vấn chiếu khán di dân

Sau khi đơn I-130 được chấp thuận, hồ sơ được chuyển qua National Visa Center (NVC) (tức là trung tâm chiếu khác quốc gia) để thu thập những chi phí chiếu khán và tài liệu cần thiết như đơn xin chiếu khán và bảo trợ tài chánh. Sau khi NVC nhận đầy đủ tài liệu, hồ sơ được chuyển qua Lãnh Sự Hoa Kỳ để lo thủ tục cấp chiếu khán. Ngoài việc xem xét sự liên hệ gia đình có chân thật hay không, Lãnh Sự Hoa Kỳ còn xem xét “người thừa hưởng” có lọt vào một trong những điều luật cấm nhập cảnh hay không. Đơn I-130 được chấp thuận không có nghĩa là chiếu khán sẽ được cấp, nhưng chỉ có nghĩa là những tài liệu nộp vào chứng minh rằng “người thừa hưởng” là thân nhân được định nghĩa dưới những điều Luật Di Trú và “người thừa hưởng” hội đủ điều kiện để nộp đơn xin chiếu khán di dân theo diện thân nhân.

Trước đây, sau khi nộp mẫu bảo trợ tài chánh và mẫu đơn xin chiếu khán cho National Visa Center (tức là trung tâm chiếu khán quốc gia) thì hồ sơ sẽ được chuyển về Việt Nam để được lên danh sách đi phỏng vấn. Khi đi phỏng vấn thì đương sự phải cầm theo những giấy tờ bản chánh và giấy tờ cần thiết. Thủ tục này đã được thay đổi. Theo phương sách hiện nay, giấy tờ bản chánh và những giấy tờ cần thiết cần phải được nộp trước cho trung tâm chiếu khán quốc gia trước khi hồ sơ được chuyển về cho lãnh sự để được phỏng vấn.Trước khi được đóng chi phí chiếu khán và nộp những tài liệu cần thiết, NVC yêu cầu đương đơn nộp mẫu Choice of Address and Agent. Mẫu đơn đó yêu cầu tên, địa chỉ, điện thoại và email của người đại diện. NVC sẽ là văn phòng giữ thư mời phỏng vấn cho người đại diện hồ sơ mà đương đơn đã ghi vào mẫu đơn Choice of Address and Agent.

Những giấy tờ cần thiết phải được nộp cho trung tâm chiếu khán quốc gia là:

  1. Bản sao của hộ chiếu có hình của đương sự và ngày hết hạn của hộ chiếu. Trung tâm chiếu khán quốc gia đòi hỏi là hộ chiếu phải còn hạng vì khi cấp chiếu khán, hộ chiếu phải còn giá trị ít nhất 6 tháng.
  2. Bản chánh khai sanh hoặc bản sao có đóng mọc của cơ quan chính quyền chứng thực là sao y bản chánh.
  3. Những đương sự nào có án phải nộp bản sao của bản án có đóng mọc của tòa. Bản án phải có ghi rõ tội trạng mà đương sự bị kết án và kết quả của bản án.
  4. Nếu đương sự đã lập gia đình, cần phải nộp bản chánh hôn thú hoặc bản sao có mộc chánh của cơ quan chính quyền cấp.
  5. Nếu đương sự nào đã lập hôn thú và đã ly dị, cần phải nộp bản chánh giấy ly dị hoặc bản sao có đóng mọc của tòa án. Nếu hôn nhân đã chấm dứt vì người phối ngẫu đã qua đời thì cần phải nộp bản chánh giấy khai tử hoặc bản sao có đóng mộc của cơ quan chính quyền.
  6. Những đương đơn từ 16 tuổi trở lên cần phải nộp Phiếu Lý Lịch Tư Pháp 2 do bộ tư pháp cấp. Nếu đương sự đã ở những quốc gia nào hơn 12 tháng hoặc đang ở quốc gia nào hơn 6 tháng khi đương sự đã 16 tuổi thì đương sự phải nộp giấy chứng là chưa từng phạm pháp.

Di Trú: Phỏng vấn chiếu khán di dân

Những giấy tờ cần thiết này phải được nộp đầy đủ cho trung tâm chiếu khán quốc gia trước khi trung tâm gửi hồ sơ cho lãnh sự để lên danh sách đi phỏng vấn.

Khi được phỏng vấn bởi Lãnh Sự Hoa Kỳ, “người thừa hưởng” phải có đầy đủ tài liệu để chứng minh sự liên hệ gia đình với “người bảo lãnh”. Thường những diện bảo lãnh anh, chị, em, con, cha và mẹ ruột được xét một cách dễ dãi hơn diện bảo lãnh vợ chồng. Trong trường hợp bảo lãnh anh, chị, em, con, cha và mẹ ruột, và trong trường hợp tệ hại nhất là không có những tài liệu xưa để chứng minh hoặc không có tài liệu nào khác để chứng minh (khai sanh duy nhất không đủ để chứng minh sự liên hệ gia đình vì khai sanh giả mạo tương đối rất dễ để thu thập), thử nghiệm DNA là biện pháp cuối cùng để chứng minh sự liên hệ chân thật đó.

Nhưng trong trường hợp bảo lãnh diện vợ chồng thì hoàn toàn khác biệt với những diện bảo lãnh kia vì sự liên hệ gia đình là do luật pháp lập ra. Hôn thú duy nhất không thể chứng minh sự liên hệ gia đình chân thật và nói rõ ràng hơn là hôn thú không có một chút giá trị gì về vấn đề chứng minh sự liên hệ gia đình chân thật.

Lãnh Sự Hoa Kỳ cần những dự kiện chứng minh sự liên lạc thường xuyên của đôi vợ chồng trước khi họ lập hôn thú. Trong những trường hợp hai người không có sự liên lạc trước đây và người công dân Hoa Kỳ về Việt Nam một lần và cũng trong lần ấy lập hôn thú với “người thừa hưởng,” sự kiện đó sẽ nêu lên sự thắc mắc cho Lãnh Sự Hoa Kỳ. Lãnh Sự Hoa Kỳ không thể nào tin được cuộc hôn nhân đó là chân thật vì họ không tin rằng sự gặp mặt trong thời gian ngắn hạn có thể đưa đến cuộc hôn nhân một cách nhanh chóng như vậy. Quý bạn đọc nên chú ý là bằng chứng phải là chứng từ chứ không thể trông cậy vào lời khai mà thôi, cho nên liên lạc bằng thư từ và điện thư (e-mail) là những bằng chứng tốt nhất. Nếu liên lạc bằng điện thoại thì phải có hóa đơn điện thoại để chứng minh những cuộc liên lạc đó. Dùng thẻ điện thoại để liên lạc mà không có hóa đơn điện thoại để chứng minh thì Lãnh Sự Hoa Kỳ sẽ không tin vào những bằng chứng đó.

Trong trường hợp Lãnh Sự Hoa Kỳ không tin sự liên hệ vợ chồng của hai người, Lãnh Sự Hoa Kỳ sẽ gửi trả lại hồ sơ bảo lãnh cho Sở Di Trú và kèm theo những tài liệu và lý do mà Lãnh Sự Hoa Kỳ không tin sự liên hệ vợ chồng là chân thật. Sở Di Trú sẽ dựa vào đó và thông báo cho “người bảo lãnh” rằng Sở Di Trú sẽ có ý định hủy bỏ sự chấp thuận đơn bảo lãnh và cho “người bảo lãnh” 30 ngày để nộp những bằng chứng cụ thể để bác lại ý định hủy bỏ sự chấp thuận đơn bảo lãnh đó. Vì lý do đó, nếu sau khi được Lãnh Sự Hoa Kỳ phỏng vấn và họ không chấp thuận cấp chiếu khán, đương đơn nên liên lạc với Lãnh Sự Hoa Kỳ để biết rõ ý định của họ. Nếu Lãnh Sự Hoa Kỳ cho biết rằng hồ sơ sẽ bị gửi trả lại cho Sở Di Trú, quí vị nên chuẩn bị thu thập tài liệu để sẵn sàng nộp cho Sở Di Trú để chống lại ý định hủy bỏ sự chấp thuận đơn bảo lãnh; vì khi nhận được thông báo ý định hủy bỏ sự chấp thuận, quý vị không thể thu thập những tài liệu một cách đầy đủ trong vòng 30 ngày.

Nguyễn Ngọc Chương – Người Việt Online