Cách nhận biết những trường đại học ở Mỹ trước khi xin visa du học

Du học Mỹ. Cách nhận biết những trường đại học ở Mỹ trước khi du học

Để tránh bị “trượt” visa du học Mỹ, PH-HS nên tham khảo cách nhận biết các trường đại học cũng như tra cứu kỹ danh sách các trường được cấp phép thị thực của Bộ Nội vụ Hoa Kỳ.

Trong những năm gần đây, số lượng du học sinh của Việt Nam ở nước ngoài liên tục tăng, đặc biệt là ở Hoa Kỳ. Làm thế nào để nhận biết đâu là trường đại học, cao đẳng và dạy nghề có uy tín và được công nhận, chúng tôi có cuộc trao đổi với Tiến sĩ (TS.) Nguyễn Tấn Anh, người đã có nhiều năm công tác, học tập và nghiên cứu ở Hoa Kỳ – hiện là Ủy viên thường vụ BCH Liên hiệp các Hội Unesco Việt Nam (Unesco VN), Trưởng Văn phòng đại diện của Unesco VN tại TP.HCM xung quanh vấn đề này:

* Thưa TS., xin TS. có thể nói sơ bộ về giáo dục đại học ở Hoa Kỳ không ?

– TS. Nguyễn Tấn Anh: Hệ thống giáo dục đại học ở Hoa Kỳ rất phong phú với hơn 3.500 trường và trên 500 ngành học khác nhau. Chương trình đại học ở Hoa Kỳ kéo dài 3 hoặc 4 năm (khác với Việt Nam, các trường College cũng được xem là đại học), Thạc sĩ từ 1 đến 2 năm, TS. từ 3 đến 6 năm tùy theo bậc chuyển tiếp là đại học hay cao học. Có hai loại trường đại học ở Hoa Kỳ là đại học công lập và đại học tư thục. Các trường đại học công lập (State University) do chính quyền bang lập ra và tài trợ nhằm cung cấp một nền giáo dục với chi phí thấp cho người dân ở bang đó. Các trường tư thục (Private University) tại Hoa Kỳ chiếm tỷ lệ rất cao và có chất lượng tốt nhưng học phí cao hơn. Nên lưu ý, có hai loại trường tư thục ở Hoa Kỳ: trường phi lợi nhuận (Non-profit) và trường có lợi nhuận (For-profit). Các trường do các giáo hội thành lập và quản lý cũng được xem là các trường tư thục và thường là các trường phi lợi nhuận.

* Hiện nay có rất nhiều phụ huynh, sinh viên và học sinh (PH-HS) quan tâm đến việc lựa chọn các trường đại học ở Hoa Kỳ để làm thủ tục du học, TS. cho biết làm thế nào để biết các trường nào có uy tín và được công nhận ở Hoa Kỳ?

– TS. Nguyễn Tấn Anh: Trước tiên, chúng ta nên tham khảo việc lựa chọn trường phù hợp với học lực và điều kiện tài chính với các Trung tâm tư vấn giáo dục của Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội và Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM hoặc các công ty tư vấn du học có uy tín. Đặc biệt là phải lựa chọn được trường nằm trong danh sách các trường mà Bộ Nội vụ Hoa Kỳ cho phép cấp thị thực cho du học sinh quốc tế. Một trong những nguyên nhân “trượt” visa là do PH-HS lựa chọn trường không nằm trong danh mục được phép của Bộ Nội vụ Hoa Kỳ (U.S Department of Homeland Security) cấp visa du học (www.ice.gov), dẫn đến không chỉ “tiền mất, tật mang” mà còn “lỡ” cơ hội du học.

(Phụ huynh có thể tham khảo danh sách các trường được cập nhật gần nhất ).

Cách nhận biết những trường đại học ở Mỹ trước khi du học

Tiến sĩ (TS.) Nguyễn Tấn Anh, Ủy viên thường vụ BCH Liên hiệp các Hội Unesco Việt Nam (Unesco VN), Trưởng Văn phòng đại diện của Unesco VN tại TP.HCM

* Tại Mỹ hiện có nhiều loại kiểm định chất lượng giáo dục đại học, một số loại do cơ quan giáo dục tại địa phương chứng nhận, một số là do đơn vị có thẩm quyền về giáo dục của quốc gia công nhận. Vậy làm thế nào PH-HS có thể lựa chọn và đánh giá được tính hợp pháp và chất lượng của các trường đại học mà họ mong muốn xin du học?

– TS. Nguyễn Tấn Anh: Về phía PH-HS cần làm trước khi nộp đơn vào một trường đại học (bao gồm cả cao đẳng và dạy nghề) ở Hoa Kỳ là phải “điều tra” kỹ lưỡng trường và chương trình đào tạo dự kiến sẽ theo học. Các luật giáo dục của Liên bang hay địa phương khác xa nhau do tính “tự quyết” trong các chương trình đào tạo của các trường là rất cao. Vì vậy, một mặt, chúng ta “tự kiểm định chất lượng” theo nhu cầu học tập mình, mặt khác, tìm hiểu xem trường đó đã có một cơ quan hay một tổ chức nào kiểm định và công nhận chất lượng hay chưa. Đây cũng là cơ sở để quyết định chất lượng và tính hợp pháp của một trường đại học. Để làm được điều này, chúng ta có thể vào trang website chính thức của Bộ Giáo dục Hoa Kỳ – ED (www.ed.gov) hay Hội đồng Kiểm định giáo dục đại học Hoa kỳ – CHEA (www.chea.org). Nếu chúng ta đăng ký xin du học ở các trường công lập của Hoa Kỳ, thì 100% tin tưởng về tính pháp lý và chất lượng của trường.

Đối với các trường ngoài công lập, chúng ta rất khó để đánh giá tính pháp lý và chất lượng của các trường nhất là các “công ty đào tạo”. Thậm chí một số trường “bất cần”, “không có nhu cầu” nhờ ED hay CHEA kiểm định chất lượng như các trường của giáo hội và các trường phi lợi nhuận. Họ chỉ quan tâm đến việc đào tạo “người” cho giáo hội hay vì mục đích “phục vụ” nhu cầu học tập của cộng đồng theo mục tiêu giáo dục của họ. Chính vì thế, cách tốt nhất là PH-HS nên tham khảo vào các Cơ quan quản lý về Giáo dục đại học và dạy nghề tư thục của Bộ Bảo vệ người tiêu dùng của các bang, là cơ quan trực tiếp theo dõi và giám sát tính pháp lý và chất lượng của các loại văn bằng, chứng chỉ của các trường ngoài công lập này. Ví dụ: ở bang California là Bureau for Private Postsecondary and Vocational Education (BPPVE).

* Là người có quá trình công tác, nghiên cứu và học tập ở trong và ngoài nước như châu Á, Châu Âu và Bắc Mỹ, TS. có nhận xét gì về chất lượng giáo dục đại học giữa các khu vực khác nhau trên thế giới?

– TS. Nguyễn Tấn Anh: Do tính chất công việc, tôi rất quan tâm đến vấn đề trên. Tôi xin khẳng định rằng nếu so sánh chất lượng giáo dục đại học giữa các khu vực khác nhau trên thế giới là hoàn toàn “khập khiểng” theo quan điểm của giáo dục quốc tế theo tinh thần của Unesco. Kể cả chất lượng giáo dục của Hoa Kỳ cũng còn nhiều vấn đề phải bàn, cũng như ít người biết tới mục đích đào tạo của các trường khác nhau. Tôi đã từng có dịp trao đổi với các nhà giáo dục của Hoa Kỳ ở các trường đại học danh tiếng như Havard (được xem là bậc nhất của Hoa Kỳ), Yale, USC, ASU, Chicago (PV: GS. Ngô Bảo Châu đang tham gia công tác nghiên cứu)…, rõ ràng mục tiêu, nội dung và tiêu chuẩn giáo dục của họ khác với các nước, nhất là những nước chịu ảnh hưởng văn hóa phương Đông. Chẳng hạn, mục tiêu giáo dục của Hoa Kỳ là đào tạo con người có thái độ và giá trị bản thân cao hơn thái độ và giá trị của tập thể như theo mục tiêu giáo dục của các nước bị ảnh hưởng bởi Nho giáo. Hay nội dung kiến thức mang tính chuyên sâu trong khi giáo dục các nước phương Đông mang tính “uyên bác” và “giáo điều” theo quan điểm “ý thức hệ”. Hơn thế nữa, giáo dục đại học của Hoa Kỳ hướng đến đào tạo kỹ năng thực hành (practical) cho sinh viên hơn là học thuật (academic) theo các tiêu chuẩn giáo dục của các nước phương Đông.

* Xin cám ơn Tiến sĩ

Theo số liệu của Viện Giáo dục quốc tế Hoa Kỳ năm học 2011-2012, số lượng sinh viên Việt Nam đang theo học tại các cơ sở giáo dục đại học tăng 4,6% từ 14.888 lên 15.572 sinh viên. Tuy nhiên, nhu cầu của du học sinh còn cao hơn nhiều so với thực tế do tỷ lệ từ chối thị thực (visa) du học Hoa Kỳ vẫn còn đang rất cao (trên 50%). Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bị từ chối thị thực đó là trường lựa chọn không có uy tín đã gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế và cơ hội du học của các du học sinh.

Nguồn: baobaovephapluat