Du học Mỹ – Giáo viên Mỹ đứng thứ mấy thế giới?

Giáo viên Mỹ đứng thứ mấy thế giới?

Cuộc tranh luận ở Mỹ về cách làm sao theo kịp các quốc gia khác hiện đang đứng đầu trong các cuộc thi thế giới, là điều vẫn thường xuyên diễn ra và xuống đến những chi tiết nhỏ nhất. Theo bản tin của CSMonitor.

Nhưng nay lại có thêm một sự so sánh khác để các chuyên gia giáo dục nhìn vào – đó là sự so sánh trong 21 quốc gia về vị thế của nhà giáo, một yếu tố mà các chuyên gia cho rằng có thể ảnh hưởng hiệu quả của giáo dục.

Bài báo cho biết, Trung Quốc đứng hàng đầu trong cuộc thăm dò lần đầu tiên về Chỉ Số Vị Thế Nhà Giáo Toàn Cầu (Global Teacher Status Index GTSI), với Israel đứng hàng cuối. Nước Mỹ đứng hàng thứ 9, vượt hơn Phần Lan, quốc gia thường đứng hạng cao về trình độ của học sinh, chỉ ở hàng 13.

Chỉ số này dựa trên các cuộc nghiên cứu so sánh việc dạy học đối với ngành nghề khác và sự nhận định của công chúng về mức độ kính trọng mà các nhà giáo có từ phía học sinh.

Bản báo cáo cũng bao gồm cả mức lương, mức độ cha mẹ khuyến khích con cái trở thành nhà giáo, và ý kiến của công chúng về chính sách “trả lương theo khả năng dạy học.”

Giáo viên Mỹ đứng thứ mấy thế giới?

Tạp chí PEOPLE trao tặng danh hiệu “Teacher of the Year” đến cô giáo Mary Kurt-Mason (giữa) của trường trung học Pagosa Springs School, Colorado. Ðứng hai bên là hiệu trưởng và hiệu phó của trường. Hình minh họa. (Hình: Nathan Bilow/Invision for PEOPLE Magazine/AP Images)

The Varkey Gems Foundation, một cơ quan nghiên cứu bất vụ lợi ở London, Anh Quốc, chuyên cải thiện giáo dục cho các học sinh ở hoàn cảnh khó khăn, đưa ra bản chỉ số này hồi giữa tuần.

Tại Mỹ, “có sự đồng ý là chúng ta không chỉ nên cải thiện vị thế mà còn cả khả năng giảng dạy,” và hai điều này đi song song với nhau, theo lời Tom Carroll, chủ tịch tổ chức “Ủy Ban Toàn Quốc về Giáo Dục và Tương Lai Nước Mỹ,” có trụ sở đặt tại Washington. Một sự so sánh có tầm vóc quốc tế về vị thế của nhà giáo là một đóng góp giá trị vào cuộc thảo luận toàn cầu hiện nay, ông cho hay.

Vẫn theo bản tin, tại Trung Quốc, khoảng 1/3 những người được hỏi nói rằng nhà giáo có thể so sánh ngang với bác sĩ. Tại khoảng 2/3 các quốc gia khác, kể cả các quốc gia hàng đầu về trình độ của học sinh như Singapore, Nam Hàn và Phần Lan, vai trò nhà giáo thường được so sánh với người làm nhân viên sở xã hội.

Ðó là điều đáng chú ý, theo ông Carroll, vì điều đó có nghĩa rằng công chúng Mỹ coi “vai trò chính của nhà giáo là cho học sinh có cơ hội tiếp cận nội dung bài giảng,” vốn từ lâu nay vẫn được đo lường qua các cuộc thi kiểu “a, b, c khoanh.”
Những quốc gia nói rằng dạy học cũng giống như công việc sở xã hội có nghĩa là nhà giáo cần phải cộng tác với học trò, hỗ trợ sự thăng tiến của cá nhân và nâng đỡ về tinh thần, cũng như làm việc chung với những người khác, theo ông Carroll.

Ðây là cách để đạt được thành công trong những quốc gia nơi học sinh có thành quả cao, theo ông Carroll và các chuyên gia giáo dục khác. Ðây cũng là sự thay đổi có thể xảy ra khi các trường học ở Mỹ khởi sự thi hành chương trình tiêu chuẩn “Common Core State Standards,” theo đó đòi hỏi học sinh không chỉ học các dữ kiện và các con số mà cũng phải biết ứng dụng và giải quyết vấn đề.

Ông Carroll nói rằng nếu các nhà lãnh đạo cấp tiểu bang nhận ra được giá trị của Common Core thì điều này sẽ giúp học sinh Mỹ có khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, được kính trọng và có vị thế cao không hẳn đi đôi với mức lương cao, theo các dữ kiện từ bản báo cáo này.

Theo bản báo cáo, tại Ai Cập, quốc gia đứng hàng thứ sáu trong bản chỉ số, mức lương căn bản chỉ vào khoảng $10,604 mỗi năm. Tại Israel, nơi đứng chót bảng chỉ số, mức lương của nhà giáo trung bình vào khoảng $32,447.

“Tại nhiều nước, nhà giáo là công chức,” nơi mức lương của họ có thể thấp nhưng các yếu tố khác như sự kính trọng và sự ổn định cũng góp phần vào việc đánh giá, theo lời đồng tác giả cuộc nghiên cứu, Giáo Sư Oscar Marcenaro-Gutierrez, tại đại học University of Malaga ở Tây Ban Nha.

Bản báo cáo nói rằng dân chúng Mỹ ước đoán là một nhà giáo dạy từ lớp 6 đến lớp 8 có mức lương khởi sự vào khoảng $36,000; và cho rằng phải tới $41,000 mới hợp lý. Nhưng thật ra, mức lương thật sự trung bình của các nhà giáo này vào khoảng $45,000.

Mức lương cao hơn sẽ giúp cải thiện vị thế của nhà giáo, nhưng điều này cần phải đi kèm với sự lựa chọn kỹ càng hơn của các trường đào tạo cũng như các chương trình huấn luyện, vì “công chúng không muốn tăng mức lương nếu nghề này bị coi là ai cũng làm được, cho dù là có khả năng hay có tinh thần yêu nghề hay không,” theo lời Kate Walsh, chủ tịch tổ chức “National Council on Teacher Quality” ở Washington.

Các quốc gia Trung Quốc, Nam Hàn, Ai Cập và Hy Lạp ở trong số những nước coi trọng nhà giáo hơn cả.

Tuy nhiên, chỉ ở Trung Quốc mới có khoảng 50% các bậc cha mẹ cho hay họ sẽ khuyến khích con mình trở thành nhà giáo.

Về mức độ tin tưởng của giới phụ huynh học sinh đối với các thầy cô, nước Mỹ đứng hàng thứ tư, chỉ sau Trung Quốc.

Theo: Người Việt Online