Nhiều đại học Mỹ bị tin tặc tấn công, trộm tài liệu nghiên cứu
Các đại học Mỹ, với nhiều chương trình nghiên cứu rộng lớn qua cộng tác với các công ty tư nhân cũng như nhiều cơ quan chính phủ Mỹ, đang ngày càng gặp nhiều cuộc tấn công của thành phần tin tặc, phần lớn được coi từ Trung Quốc, với hàng triệu nỗ lực xâm nhập mỗi tuần.
Các trường đại học Mỹ nay bị buộc phải có biện pháp an ninh chặt chẽ hơn, giới hạn truyền thống cởi mở đã có từ lâu nay, trong lúc phải tìm xem những gì đã bị lấy cắp.
Giới chức lãnh đạo các trường đại học cho hay một số cuộc tấn công đã lọt qua được hàng rào an ninh. Tuy nhiên, họ cũng từ chối không cho biết chi tiết rõ ràng, ngoại trừ những vụ có liên hệ đến dữ kiện cá nhân như số An Sinh Xã Hội. Họ cũng công nhận rằng thường không biết là mình bị tấn công cho đến một thời gian lâu sau đó, và cũng không xác định được là những gì bị lấy đi.
Các trường đại học Mỹ cùng các giáo sư dạy trong trường được cấp hàng ngàn bằng sáng chế mỗi năm, với nhiều ứng dụng lớn lao, trong mọi lãnh vực từ y tế, điện tử, năng lượng, hàng không, cũng như trong lãnh vực quốc phòng.
“Các cuộc tấn công đang ngày càng gia tăng theo cấp số nhân, và càng lúc càng tinh vi, tôi nghĩ vượt qua khả năng đối phó của chúng tôi,” theo lời Rodney J. Petersen, người đứng đầu chương trình an ninh mạng tại Educause, một tổ chức bất vụ lợi phối hợp liên minh giữa các đại học và các công ty kỹ thuật Mỹ. “Do nhờ vào dành thêm tài lực để khám phá các cuộc tấn công chúng tôi mới biết thêm về những gì không thể nào nhận ra trước đó.”
Tracy B. Mitrano, giám đốc chính sách kỹ thuật tin học tại đại học Cornell University, nói rằng việc khám phá các cuộc tấn công là sự quan tâm lớn nhất của các trường hiện nay và khả năng thành phần tấn công kiếm ra các khe hở để xâm nhập mà không bị phát giác đang gia tăng nhanh chóng.
Cũng giống như những người khác ở cùng trách nhiệm, bà Mitrano nói rằng phần lớn các cuộc tấn công được coi xuất phát từ Trung Quốc, và không thể nào xác định đây là hành vi cá nhân hay do chính quyền tổ chức.
Việc tìm ra nơi xuất phát của cuộc tấn công không phải là điều dễ dàng vì ngày nay thành phần tin tặc có khả năng đi xuyên qua nhiều máy điện toán khác nhau, đặt ở nhiều vùng trên thế giới, do đó các nơi bị tấn công thường không có đủ nhân sự chuyên môn hoặc khả năng tài chánh để lần theo tới nơi tới chốn.
Các giới chức chính phủ Mỹ, các chuyên gia an ninh tin học và các giới chức trách nhiệm ở các công ty Mỹ đều khẳng định rằng Trung Quốc là nơi xuất phát của đa số các cuộc tấn công, nhưng có thể khẳng định do cá nhân nào, nhóm nào, hay cơ quan nào và chính xác từ địa điểm nào là điều hiếm khi làm được.
Sự tấn công ngày càng gia tăng để đánh cắp tài liệu nghiên cứu đang khiến nhiều đại học phải xem lại cấu trúc căn bản về hệ thống điện toán của mình và phương thức hoạt động, dù rằng không ai muốn xây một bức tường thành điện toán để ngăn tất cả mọi người.
“Môi trường đại học hoàn toàn khác hẳn đối với một công ty hay một cơ quan chính phủ, vì sự cởi mở và sự tự do trao đổi tin tức là điều chúng tôi muốn khuyến khích,” theo David J. Shaw, giám đốc an ninh tin học ở Purdue University. “Các nhà nghiên cứu, cả ở bên trong và ngoài đại học, muốn phối hợp với nhau, để chia sẻ các khám phá của họ.”
Một số đại học nay không cho phép giáo sư của họ mang máy điện toán xách tay đến một số quốc gia, và điều này nên được đặt ra thành một quy luật thông thường, theo James A. Lewis, một giới chức cao cấp tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế (CSIS).
“Hiện có một số quốc gia, kể cả Trung Quốc, nơi các dữ kiện của bạn sẽ bị đánh cắp hay sẽ bị gài nhu liệu do thám ngay khi bạn nối vào mạng, để khi bạn trở về nước và nối vào mạng ở nhà, họ sẽ đi theo để xâm nhập,” ông Lewis cho hay. “Các giáo sư ít khi nào nghĩ tới điều đó.”
Bill Mellon tại đại học Univeristy of Wisconsin cho hay khi khởi sự tăng cường an ninh cho hệ thống điện toán của trường, ông bàng hoàng khi thấy mức độ tấn công.
“Chúng tôi gặp khoảng từ 90,000 đến 100,000 nỗ lực tấn công mỗi ngày, chỉ riêng từ Trung Quốc, để tìm cách xâm nhập hệ thống của chúng tôi,” theo ông Mellon, phó khoa trưởng đặc trách chính sách nghiên cứu. “Cũng có nhiều cuộc tấn công xuất phát từ Nga và thời gian gần đây cũng có từ Việt Nam, nhưng phần lớn từ Trung Quốc.”
Lê Tâm – Người Việt Online