Có Chiếu Khán B1-B-2 vẫn có thể bị từ chối nhập cảnh Hoa Kỳ
Khi nhập cảnh tại phi trường ở Hoa Kỳ, nhân viên Kiểm Soát Biên Giới và Hải Quan (tức Customs and Border Patrol – CBP) có thể hỏi: “Ông, Bà có ý định gì khi đến Hoa Kỳ?”. Quý vị trả lời câu hỏi này, cộng thêm thông tin mà quý vị điền trên đơn xin chiếu khán (visa), cộng thêm sự quan sát của nhân viên CBP, sẽ quyết định rằng quý vị được chấp thuận nhập cảnh hay không tại phi trường. Các nhân viên CBP và Sở di trú tại phi trường có thẩm quyền hơn Tòa Lãnh sự Hoa Kỳ trong việc quyết định này nếu ý định của quý vị trùng hợp với loại chiếu khán nhận được từ Tòa lãnh sự Hoa Kỳ.
Đây là một thí dụ điển hình: Ông Nguyễn du lịch sang Hoa Kỳ nhiều lần với chiếu khán B1-B2 và chưa bao giờ gặp rắc rối ở phi trường. Tuy nhiên, trong lần cuối cùng ông Nguyễn đến Mỹ, ông được các nhân viên CBP và Sở di trú thẩm vấn và đã bị từ chối nhập cảnh. Ông bị bắt buộc phải trở về Việt Nam ngay lập tức.
Có hai câu hỏi được đặt ra. Thứ nhất, ông có thể nộp đơn xin chiếu khán du lịch B2 mới sau khi trở về Việt Nam không? Và thứ hai, tại sao ông bị từ chối nhập cảnh Hoa Kỳ?
Trong trường hợp này, vì ông Nguyễn đã bị từ chối nhập cảnh Hoa Kỳ, ông có thể phải đợi một thời gian trước khi có thể xin chiếu khán B2 mới. Và nếu ông có chiếu khán mới, cơ quan CBP và Sở di trú sẽ vẫn còn lưu giữ hồ sơ bị từ chối của ông. Nhưng trong trường hợp này, ông vẫn còn may mắn vì nhân viên Sở di trú cho ông một cơ hội để rút lại đơn xin nhập cảnh. Vì thế, ông được phép trở về Việt Nam một cách tự nguyện, không bị Sở di trú trục xuất. Nếu ông bị “trục xuất” tại phi trường, ông sẽ có thể không bao giờ được xin chiếu khán B1-B2 nữa.
Bây giờ cần duyệt qua lý do tại sao ông bị từ chối nhập cảnh Hoa Kỳ. Ông Nguyễn đi du lịch với đứa con trai nhỏ. Nhân viên di trú tin rằng con trai ông không có ý định rời Hoa Kỳ khi chiếu khán du lịch B2 hết hạn. Điều này cũng rõ ràng cho thấy ông Nguyễn đã hoàn toàn không thành thật khi bị nhân viên CBP thẩm vấn.
– Nhân viên CBP đã tìm thấy một tờ giấy trong hành lý của cậu con trai: Trong tờ giấy này, cậu con trai đã nói với một người bạn là cậu sẽ không trở về Việt Nam sớm vì cậu muốn xin học tại Hoa Kỳ. Theo sự suy diễn của các nhân viên di trú, nội dung lá thư cho thấy rõ ý định vi phạm những quy định về chiếu khán du lịch B2.
– Cậu con trai có rất nhiều hành lý, bao gồm hình ảnh gia đình, máy điện tử và dụng cụ thể thao. Cậu con trai cũng mang theo giấy khai sinh, hồ sơ học bạ của trường học, v.v…, cho thấy cậu kỳ vọng sẽ ở lại Hoa Kỳ lâu dài và không có ý định rời Hoa Kỳ khi chiếu khán du lịch B2 hết hạn. Những điều mà nhân viên di trú quan tâm là những ai đến Hoa Kỳ với những chứng chỉ, hồ sơ giấy tờ liên quan đến giáo dục, công việc làm, là chỉ dấu cho thấy ý định của quý vị muốn ở lại Hoa Kỳ trong thời gian lâu dài, lâu hơn sự cho phép của chiếu khán du lịch B2.
Thêm vào đó, ông Nguyễn nói với nhân viên CBP rằng vợ ông đang ở Việt Nam, nhưng nhân viên CBP đã tìm thấy giấy ly dị của ông trong nhiều giấy tờ mà ông mang theo. Điều này cho thấy ông đã nói dối với nhân viên CBP rằng ông có vợ ở Việt Nam. Lý do tại sao ông nói dối không thể thuyết phục được nhân viên di trú. Và tại sao ông lại mang quá nhiều giấy tờ cá nhân? Ông trả lời nhân viên di trú là ông muốn mở một doanh nghiệp tại Hoa Kỳ, nhưng điều hành một doanh nghiệp rõ ràng không cho phép người có chiếu khán B1-B2 thực hiện. Vì thế điều không thể chối cãi là ông đã có ý định vi phạm những quy định của chiếu khán mà ông đang có.
Xin nhớ rằng, tất cả những người có chiếu khán B1-B2 đều bị xem là có ý định di dân cho đến khi họ có thể chứng minh họ không có ý định này. Mặc dù quý vị có ý định rời khỏi Hoa Kỳ khi chiếu khán B1-B2 hết hạn, và mặc dù quý vị không có ý định làm việc hoặc xin học khi đang có chiếu khán B1-B2, nhưng vẫn có điều gì đó khiến các nhân viên di trú nghi ngờ. Và những sự nghi ngờ này sẽ làm cho quý vị bị từ chối nhập cảnh Hoa Kỳ dù có chiếu khán B1-B2.
– Từng có nhiều chuyến du lịch tại Hoa Kỳ. Các nhân viên CBP, Sở di trú có thể nghĩ rằng quý vị có thể đang làm việc tại Hoa Kỳ, hoặc làm việc gì đó mà quý vị không được phép làm, hay ít nhất họ có thể nghĩ rằng quý vị đã dùng thời gian quá nhiều ở Hoa Kỳ. Chỉ với những nghi ngờ này, quý vị cũng có thể bị từ chối nhập cảnh.
– Mang theo nhiều thứ chứng tỏ quý vị sẽ ở Hoa Kỳ lâu dài, chẳng hạn như quá nhiều quần áo, khung hình ảnh, nhiều nữ trang, giấy tờ như báo cáo của ngân hàng, khai sinh, hồ sơ trường học, v.v…
– Nói với nhân viên CBP rằng quý vị muốn mở một doanh nghiệp ở Hoa Kỳ. Quý vị không thể làm việc hoặc liên hệ trực tiếp trong việc điều hành một doanh nghiệp nếu quý vị đang có chiếu khán B1-B2. Tuy nhiên, quý vị có thể là chủ một doanh nghiệp và muốn thuê mướn một nhân viên quản lý để điều hành doanh nghiệp của quý vị. Quý vị có thể hẹn gặp một nhân viên hoặc thuê mướn nhân viên hợp pháp để làm việc. Nhưng nếu quý vị nói với nhân viên di trú rằng muốn đến Hoa Kỳ để khởi đầu việc kinh doanh, cho thấy quý vị không có ý định ở Hoa Kỳ tạm thời như một phi di dân. Vì thế, nhân viên di trú sẽ có thể từ chối không cho phép quý vị nhập cảnh. Nếu quý vị có khả năng tài chánh, điều tốt nhất là nộp đơn xin chiếu khán đầu tư EB5 khi quý vị đang còn ở Việt Nam.
– Nói với nhân viên CBP rằng quý vị có ý định cho con xin học ở Hoa Kỳ. Điều mà quý vị nên nói là có ý muốn tìm xem có trường học nào thích hợp cho con mình hay không và con của quý vị sẽ nộp đơn xin học sau khi trở về Việt Nam. Con đường duy nhất mà con của quý vị theo học hợp pháp tại Hoa Kỳ là phải có chiếu khán du học F1. Con của quý vị có thể xin chuyển diện chiếu khán du lịch B2 sang chiếu khán du học F1 khi đang ở Hoa Kỳ, nhưng một số nhân viên di trú có thể chất vấn rằng tại sao con của quý vị không xin chiếu khán du học F1 trước khi đến Hoa Kỳ.
Lê Minh Hải – Báo Trẻ Online