Đón Tết Việt trên đất Mỹ
Hàng năm ở Việt Nam ta, mỗi khi xuân về không khí đón tết luôn nhộn nhịp và rộn ràng, với nhiều hoạt động truyền thống và đậm đà bản sắc dân tộc. Còn đối với người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài ra sao? Họ đón tết như thế nào?…
California những ngày cuối năm
Người Việt, dù đi đâu, sống đâu thì “cái đầu âm lịch” vẫn cứ đa mang nặng trĩu. Khi người đồng hương đánh xe đưa tôi đi lang thang từ Berkely vượt cầu Rich Mond qua vùng đầu não công nghệ thông tin của Hoa Kỳ là thung lũng Silicon, cho dù đã hơn 40 năm xa quê, anh vẫn bảo với tôi rằng: Đã là những ngày cuối năm, sắp hết một năm nữa rồi, bọn mình ghé khu chợ người Việt xem năm nay người ta bày bán hoa thế nào nhé. Xe đi vào một khu chợ thuần Việt có tên là Grand Century thuộc thành phố San Jose. San Jose còn có một tên gọi rất nên thơ là “Thung lũng hoa vàng”, nằm về phía bắc tiểu bang California. Đây là thành phố lớn thứ 3 của tiểu bang và lớn thứ 10 của toàn nước Mỹ.
Những chậu hoa được bày bán ở cánh bên phải tòa nhà, ngay trước cửa ra vào. Đa số là cúc đại đóa. Phần chậu được bọc trong giấy đỏ một cách tinh tươi, sạch sẽ, cho dù đặt ngay ngắn trên các kệ hay để dưới nền nhà. Thời gian ghé vào đây không nhiều chỉ đủ để chụp vội mấy tấm ảnh, liếc mắt qua các gian hàng. Rồi ngồi uống một ly cà phê giải khát ở quán Paloma nằm bên trái khu tiền sảnh. Quán bày biện tinh tươm, trang trí lịch sự, rất Việt. Trên mảng tường nhìn ra khung cửa lớn cạnh chỗ tôi ngồi là bức tranh vẽ bốn thiếu nữ người Việt với những tà áo dài tha thướt. Không gian quán khá rộng. Tôi cố gắng “soi” xem có có bức tranh ảnh nào “nóng” không. Nhưng tuyệt nhiên không thấy. Nghe nói chủ quán là một người gốc Huế sang định cư vào những năm 1990. Và là người nổi tiếng về sự thành đạt ở vùng này.
Gần cuối một ngày lang thang, chúng tôi ghé vào khu Little Sài Gòn, người đồng hương mua nhiều bịch nếp và lá chuối. Lá chuối được rọc và xếp trong các bao nylon trông giống như những… xấp vải. Giá mỗi bao lá chuối là 0,99 Dollar. Anh ấy bảo đây là công tác chuẩn bị cho nồi bánh chưng đón Giao thừa với các sinh viên Việt Nam lưu trú gần nhà.
Ba ngày sau, khi về Los Angeles và đến khu Phước Lộc Thọ ở Santa Ana thì không khi đón tết của cộng đồng người Việt tại đây đã quá tưng bừng, chen chân nhau để đi. Trời lạnh se se và nắng chưa đủ để ấm nên hầu hết mọi người đều phải mặc áo khoác. Hoa ngập tràn trong khu hội chợ. Mai, đào, Cúc, Huệ, hồng, lay ơn, phong lan, thượt dược… cành quất. Tất cả như từ quê nhà được đưa sang đây hội ngộ. Người ta nói thời tiết ở California giống hệt như ở Việt Nam, nên người Việt đã tái tạo một không gian Tết rất Việt trên đất khách. Chỗ này một nhóm phóng viên đang thực hiện phóng sự, đằng kia là các bàn bầu cua tôm cá, xóc dĩa đang thu hút sự chú ý thử vận may của nhiều người. Xa hơn một chút, trong khoảng đất trống, một “chàng” tuổi độ 30-35, áo thun trắng dài tay, quần jeans, điện thoại đeo ngang thắt lưng bên phải, tay cùng bên cầm dây pháo chuột màu đỏ thắm đang đốt nổ đì… đoàng…, tạo ra chuỗi âm thanh mơ hồ như những phút giây Giao thừa nghe tiếng pháo xa xưa…
Giao thừa New Jersey tuyết trắng
Trái với cảnh nhộn nhịp của người Việt đón Tết tại California, người Việt ở tiểu bang New Jersey đón Tết thầm lặng hơn, vì trời rất lạnh. Nhiệt độ bên ngoài âm đến 5-6 độ C. Tuyết đang rơi dày. Quanh nhà và cả khu dân cư tuyết phủ trắng xóa. Tôi về đón giao thừa tại hạt Pennsauken với gia đình những người em. Buổi sáng của ngày cuối năm, chúng tôi lao xe đi trong tuyết ra siêu thị khuân về thêm những thứ được cho là cần thiết để làm một bữa tiệc cúng mừng tất niên. Nói chung tất cả đều có. Chỉ có một thứ của hiếm đó là… chuối và… hoa. Ở khu vực bán thịt gà tôi đọc thấy tấm bảng có ghi dòng chữ: Tại đây có bán gà đi bộ!
Để mua hoa trưng bày đón Tết, chúng tôi phải đến một khu chợ khác. Shop hoa lèo tèo dăm chậu quất mà phần lớn là… lá và trái xanh lè nhiều hơn trái chín vàng. Dăm chậu hoa tên gì mà tôi không biết, cành khẳng khiu, vươn dài, lá nhỏ, hoa có màu như hoa đào, cành có gai nhỏ. Tôi chọn một chậu vừa búp vừa hoa chừng hơn 20 cái, có giá thân thiện, vì đã được ông chủ người Việt bớt còn lại 40 Dollar.
Gia đình người Việt sinh sống ở khu vực này không nhiều. Một nhà quen quê gốc Quảng Nam vẫn còn giữ được cái nếp, cuối năm gói bánh tét và nấu bằng bếp ga. Vừa để dùng, vừa để “chia sẻ” cho những ai có nhu cầu, giá một đòn bánh tét là 5 dollar. Người nhà tôi mua 20 đòn trả 100 dollar. Sau khi nhận 100 dallar tiền chẵn, người bán bánh lấy 100 dollar tiền lẻ, gồm 5 tờ 20 dollar gởi mừng những đứa cháu nhỏ ở nhà nhân dịp năm mới!
Buổi chiều, đến văn phòng Ủy ban cứu người vượt biển hạt Camden (Boat people SOS – Camden) thấy người ta tổ chức múa lân mừng năm mới, nhắc nhở những truyền thống tốt đẹp bên kia bờ đại dương và lì xì tiền mừng tuổi cho trẻ nhỏ. Một số ông bố người Mỹ đưa những người con Việt của mình đến đây trong trang phục áo dài khăn đóng như là sự nhắc nhở, tưởng vọng về một quê hương bên kia bờ đại dương.
Đêm giao thừa người Việt ở California, New York, New Jersey, Philadelphia và nhiều tiểu bang khác thường đi đến các chùa. Những nơi này là các tụ điểm tập trung để cầu mong phước lành và chúc nhau năm mới nhiều may mắn và sức khỏe. Do khác nhau về múi giờ nên khi tôi ở New Jersey đã cúng đón Giao thừa thì bên California cô bạn hàng xóm thời ấu thơ gọi phone chúc mừng năm mới và đang một mình ngồi đợi thêm 3 giờ nữa để đón Giao thừa. Cô ấy nói rằng: Em không cúng Giao thừa có được không? Tại sao em phải khổ thế này. Trong suốt gần 30 năm qua em luôn ngồi đợi cúng Giao thừa trong khi chồng con em đang ngủ. Bởi họ không có kỷ niệm hay khái niệm mảy may nào về sự thiêng liêng, huyền diệu của Giao thừa. Cuộc sống là như thế. Biết làm sao được. Cô bạn của tôi là người đi nửa vòng trái đất từ thời còn rất trẻ, nhưng luôn mang trong trái tim mình một tình cảm quê hương dịu vợi. Không biết cô ấy hạnh phúc hay đau khổ với những gì đang khắc khoải trong trái tim bé nhỏ của mình trong đêm ngồi đợi đón Giao thừa.
Những ngày cuối năm ở đây cũng nhận ra điều lạ, người có nhà cho thuê mang qùa đến tặng những người thuê nhà và nói lời cảm ơn, chúc tết. Điều này thấy trái ngược với bên quê nhà! Trong ba ngày tết, đến chơi với một số gia đình người Việt, nhà nào cũng có hạt dưa, mức bánh… đón mừng xuân mới. Hỏi thăm mới biết đã thành thông lệ, các công ty trong vùng có người Việt làm trong dịp này đều cho nghĩ để đón Tết cổ truyền Việt Nam. Bởi nếu không cho thì họ cũng… nghỉ, cho dù mất việc. Điều này cho thấy những ngày Tết bên quê nhà có ý nghĩa thiêng liêng biết bao đối với những người Việt xa quê hương.
Casino không chỉ là nơi đen đỏ
Có thể có một thứ gọi tên là văn hóa… casino. Bởi người ta đến casino không chỉ để cờ bạc theo như cái nghĩa thông thường không mấy tốt đẹp mà ai cũng nghĩ đến. Một số người đến casino để chơi trò đen đỏ, nhưng phần lớn đến để tham quan, thưởng thức, mua sắm và dạo chơi. Sáng ngày mùng 1 Tết, tôi quá bước đến khu Atlantic city. Nơi đây có một casino lớn thứ nhì nước Mỹ. Người ta gọi Atlantic city là Las Vegas của New Jersey. Casino là cả một dãy phố mang tên Trump Taj Mahal. Nghe nói chủ nhân là một người gốc Ấn Độ. Ở cổng vào khu vực gởi xe mọi người dễ dàng nhận ra những nét kiến trúc kiểu Ấn được xây dựng. Thấy có mấy chiếc Limousin dài thậm thượt đưa đón những khách hàng đặc biệt vào khu casino. Chúng tôi lang thang qua các lối đi và qua những dãy hành lang sâu hun hút bằng đôi chân của mình. Trời lạnh, tuyết rơi dày. Nhưng lối vào casino tuyết đã được dọn sạch. Người ta đến đây đông vui như trẩy hội.
Thú thật, tôi đến casino trong sự tò mò đi cho biết và tất nhiên cũng mang trong mình một suy nghĩ không mấy tốt đẹp về một chốn đỏ đen tầm cỡ quốc tế. Nhưng suy nghĩ này đã sớm thay đổi khi bước qua dãy hành lang để vào khu vực chính của tòa nhà khổng lồ. Đập vào mắt tôi trước hết là các shop thời trang của những hãng danh tiếng thế giới như Gucci, Adidas, Nice… Nơi đây tôi cũng gặp cả ông hoàng công nghệ điện thoại di động là Steeven Jobs qua các sản phẩm có hình quả táo bị gặm dang dỡ. Tôi cũng đứng tần ngần trước những dòng máy tính mà không người sử dụng nào không ao ước được sở hữu. Tất nhiên giá cả không mềm tí nào. Và tôi thật sự thấy “ngợp” khi nhìn biển giá một đôi dép trông như đôi dép “tông” có giá hơn 500 USD, gần đó là chiếc cà vạt cũng hơn 200 USD. Vượt qua khu vực bán hàng xa xỉ này, thoảng nghe tiếng nhạc dịu êm vang lên trên nền những cột nước đang chuyển động. Một sân khấu nhạc nước hoành tráng hiện ra trước mặt. Nhiều người đang lim dim nghe nhạc với cốc cà phê nóng ấm trên tay. Flash máy ảnh của khách tham quan cũng không ngừng chớp sáng.
Tất nhiên chúng tôi cũng không bỏ qua cơ hội nhấm nháp mỗi người một ly cà phê nóng hổi và đắm mình trong các giai điệu khi thì mượt mà, lúc thì hùng tráng. Những cột nước cũng trào dâng theo điệu nhạc từ dịu nhẹ đến mãnh liệt. Rời khu nhạc nước, vào sâu bên trong thấy nhiều người đang chụp ảnh với hai cô người mẫu. Một người phục trang váy trắng như là áo cưới, một người trong trang phục của nữ hoàng Ai Cập. Cả hai miệng luôn tươi cười, nhã nhặn và chìu khách. Họ sẵn sàng chụp ảnh chung với một người hoặc nhiều người. Bạn có thể chụp ảnh trong vai người yêu của họ, nghĩa là một tay ôm ngang eo sau một câu xin phép lịch sự. Một số bức tượng là những tuyệt phẩm đặt dọc lối đi cũng mang lại cho du khách cảm giác như đang đi giữa viện bảo tàng.
Một đám đông là những phụ nữ cao tuổi đang tụ tập trong trạng thái vui vẻ, hào hứng khiến tôi tò mò đến gần. Thì ra họ đang tìm may mắn trong một trò chơi dành riêng cho họ. Người bốc được chiếc thăm may mắn sẽ đứng vào trong chiếc tủ đựng đựng ngập tiền giấy 1 USD. Khi luồn hơi trong tủ bắt đầu thổi tiền bay lên trong vòng 1 phút, nếu bắt được bao nhiêu sẽ hưởng bấy nhiêu. Khi tôi đến thì một bà vừa bước ra khỏi tủ, số tiền đếm được hơn 200 USD. Tất nhiên người phụ trách trò chơi đưa tiền có mệnh giá lớn hơn và số tiền vừa đem ra đếm được bỏ lại trong tủ để tiếp tục cuộc chơi. Sau đó, một bà khác dang tay, nhăn mặt biểu lộ sự tiếc rẽ khi bước ra ngoài, vì số tiền bắt được đã tuột khỏi tay trong mấy giây cuối cùng nên còn lại chẳng bao nhiêu.
Trong khu đánh game nhiều cụ râu tóc bạc phơ đang ngồi say sưa kéo máy. Nhiều người Mỹ có thói quen giải trí với một khoản tiền nhất định trong tháng, như người ta trả tiền để thuê sân đánh cầu lông hoặc tennis. Ai đó có vận may, nhiều khi mang về một số tiền không nhỏ. Xem qua các bàn đánh bài, tôi không hiểu luật chơi của họ là gì. Đến một số bàn thấy họ chơi kiểu như trò “xì lát” ở Việt Nam, nhưng cách chơi sao thấy… tẻ nhạt. Người chơi chỉ có mỗi nhiệm vụ đặt tiền, nhà cái thì tự chia bài, thêm bài và khui bài để ăn hoặc chung.
Tôi được thằng em lì xì đầu năm bốn chiếc thẻ mệnh giá 5 USD mỗi thẻ. Nó bào tôi, anh hãy thử vận may đầu năm với tư cách một… nhà thơ! Tất nhiên không một ai ngây thơ mà đồng ý nhà thơ sẽ “thiêng” trong chốn phù hoa này. Tôi bảo, thôi để anh “cúng” lẹ mà đi sang chỗ khác. Thấy có bàn số lớn, số nhỏ bên cạnh. Tôi bỏ xuống số nhỏ 2 thẻ. Phần thắng thuộc về nhà cái. Khi chuẩn bị mở ván tiếp theo tôi tiếp tục cho 2 thẻ còn lại xuống số nhỏ, nhưng liền đổi ý như có Thánh Thần xui khiến, đẩy một thẻ vào vị trí số 7. Trời ạ, đúng là số 7 rồi! Mọi người hoan hô tôi. Tôi thu về cả vốn lẫn lời 15 thẻ. Và tất nhiên tôi… nghỉ chơi để giữ mãi lần hên, mà có lẽ là duy nhất trong đời đúng sáng ngày mùng một Tết khó quên của tôi trên xứ sở của Nữ Thần Tự Do.
thẻ xanh mỹ – Bút ký Mai Hữu Phước