Bảo lãnh theo diện hôn phu hôn thê

Bảo lãnh theo diện hôn phu hôn thê

Chiếu khán diện K-1 (tức là diện vị hôn phu, vị hôn thê) là chiếu khán giới hạn cho “người thừa hưởng” nhập cảnh Hoa Kỳ và được ở lại Hoa Kỳ 90 ngày để lập hôn thú với “người bảo lãnh” Sau khi lập hôn thú với “người bảo lãnh” “người thừa hưởng” phải làm đơn thay đổi tình trạng di trú (tức là Adjustment of Status) thành thường trú nhân.

Ðiều luật 214(d) của bộ luật di trú cho phép cấp chiếu khán K-1 cho vị hôn phu hoặc vị hôn thê của công dân Hoa Kỳ sau khi đơn bảo lãnh I-129F được chấp thuận. Ðơn bảo lãnh phải được nộp ở tại Hoa Kỳ và kèm theo những chứng từ cụ thể để chứng minh rằng hai người:

  1. Ðã gặp mặt nhau trong vòng 2 năm trước khi nộp đơn bảo lãnh I-129F, hoặc sự đòi hỏi này được miễn;
  2. Có ý định lập hôn thú với nhau; và
  3. Ðược quyền lập hôn thú với nhau một cách hợp pháp và đồng ý lập hôn thú với nhau tại Hoa Kỳ trong vòng 90 ngày sau khi “người thừa hưởng” nhập cảnh Hoa Kỳ.

Nếu hai người không lập hôn thú với nhau trong vòng 90 ngày, “người thừa hưởng” phải bị rời khỏi Hoa Kỳ và nếu không rời Hoa Kỳ thì có thể bị Sở Di Trú tiến hành thủ tục trục xuất.

Phải gặp mặt nhau trong vòng 2 năm

Ðiều luật 214(d) của bộ luật di trú có sự đòi hỏi rằng hai người phải gặp mặt nhau trong vòng 2 năm trước khi nộp đơn bảo lãnh theo diện hôn phu hôn thê. Sở Di Trú được quyền tự do phán quyết để miễn sự đòi hỏi phải gặp mặt trong vòng 2 năm đó, nhưng điều luật không nêu ra chỉ đạo rõ ràng về sự việc đó. Vì lý do đó khi muốn xin Sở Di Trú miễn sự đòi hỏi đó, những vị luật sư di trú phải dựa theo những tiền lệ để làm đơn yêu cầu được miễn sự đòi hỏi này.

Tự do lập hôn thú

Hai người phải được quyền lập thú với nhau và phải lập hôn thú với nhau trong vòng 90 ngày sau khi “người thừa hưởng” được nhập cảnh Hoa Kỳ. Cho nên hai người phải chứng minh rằng những hôn nhân trước đây, nếu có, phải được hủy bỏ và không có bất cứ điều luật nào ngăn cản hai người lập hôn thú với nhau.

Ðơn bảo lãnh I-129F và bằng chứng cụ thể

Ðơn bảo lãnh diện hôn phu, hôn thê phải được nộp bằng mẫu đơn I-129F. Ðơn bảo lãnh phải được kèm theo một tấm hình của “người bảo lãnh,” một tấm hình của “người thừa hưởng,” mẫu đơn G-325A của “người bảo lãnh” và mẫu đơn G-325A của “người thừa hưởng.” Thêm vào đó là những chứng từ chứng minh rằng hai người:

  1. Ðã gặp mặt nhau trong vòng 2 năm trước khi nộp đơn;
  2. Có ý định lập hôn thú với nhau;
  3. Ðược tự do lập hôn thú với nhau, chứng minh những hôn thú trước đây đã được hủy bỏ (nếu có);
  4. Hai người sẽ lập hôn thú với nhau trong vòng 90 ngày sau khi “người thừa hưởng” được nhập cảnh; và
  5. Bản khai có tuyên thệ của hai người hoặc của những ai có biết về sự quan hệ tình cảm của hai người, hình ảnh của người chụp chung, sự liên lạc của hai người bởi thư từ, điện thư (e-mails), hóa đơn điện thoại, bằng chứng của sự dự tính tổ chức đám cưới như thiệp mời, biên lai đặt cọc cho nơi tổ chức tiệc cưới, hoặc những chứng từ khác.

Những người con dưới 21 tuổi của “người thừa hưởng” có thể được hưởng theo và được cấp chiếu khán K-2 mà không cần phải nộp đơn bảo lãnh nào khác.

Sau khi đơn bảo lãnh được Sở Di Trú chấp thuận, hồ sơ được chuyển qua cho lãnh sự Hoa Kỳ để tiến hành thủ tục phỏng vấn để cấp chiếu khán. “Người thừa hưởng” phải làm mẫu đơn DS-156 (tức là mẫu đơn xin cấp chiếu khán giới hạn) và thu thập những chứng từ cụ thể nêu trên cộng thêm hộ chiếu còn hạn, khai sanh, bảo trợ tài chánh và chứng từ của chính quyền chứng minh rằng họ không có tiền án.

Sự bó buộc của diện hôn phu hôn thê

Một đặc điểm của diện hôn phu hôn thê là khi người được bảo lãnh nhập cảnh Hoa Kỳ, người được bảo lãnh phải lập hôn thú với người bảo lãnh và làm đơn thay đổi tình trạng di trú. Nếu người được bảo lãnh thay đổi ý kiến và không lập hôn thú với người bảo lãnh, người được bảo lãnh sẽ không được thay đổi tình trạng di trú dù là lập hôn thú với một người công dân Hoa Kỳ khác hoặc được những thân nhân khác như Cha Mẹ Anh Chị Em bảo lãnh. Nếu người được bảo lãnh muốn sống hợp pháp ở Hoa Kỳ, người được bảo lãnh phải trở về nước của họ và chờ đợi người bảo lãnh khác làm đơn bảo lãnh.

Trong trường hợp người bảo lãnh thay đổi ý kiến không lập hôn thú với người được bảo lãnh hoặc đã lập hôn thú nhưng người bảo lãnh không chịu tiếp tục bảo lãnh cho người được bảo lãnh, người được bảo lãnh sẽ không được thay đổi tình trạng di trú y như trường hợp người được bảo lãnh thay đổi ý kiến vừa nêu trên. Có nhiều trường hợp người bảo lãnh hoặc người được bảo lãnh thay đổi ý kiến, và người được bảo lãnh lập hôn thú với người công dân Hoa Kỳ khác và đinh ninh rằng họ sẽ được thay đổi tình trạng di trú với hồ sơ mới. Sau khi đi phỏng vấn, hồ sơ thay đổi tình trạng di trú sẽ bị từ chối và từ ngày bị từ chối, người được bảo lãnh trở thành người ở Hoa Kỳ bất hợp pháp. Nếu người được bảo lãnh muốn ở Hoa Kỳ hợp pháp, họ phải trở ra ngoài Hoa Kỳ và chờ hồ sơ bảo lãnh mới. Nếu người được bảo lãnh ở Hoa Kỳ quá 6 tháng hoặc 1 năm sau khi hồ sơ bị từ chối và rời khỏi Hoa Kỳ, người được bảo lãnh sẽ không được nhập cảnh Hoa Kỳ 3 năm hoặc 10 năm. (Khi một người ở Hoa Kỳ bất hợp pháp 180 ngày hoặc lâu hơn, khi rời Hoa Kỳ sẽ không được vào lại Hoa Kỳ trong 3 năm tới. Nếu ở Hoa Kỳ bất hợp pháp 1 năm trở lên, sẽ không được vào Hoa Kỳ trong 10 năm tới.) Nếu đương đơn phạm phải điều luật cấm 3 năm hoặc 10 năm, nếu muốn nhập cảnh Hoa Kỳ trước thời hạn 3 năm hoặc 10 năm, phải làm đơn yêu cầu Sở Di Trú miễn điều luật đó nếu hội đủ điều kiện

Theo: LS Nguyễn Ngọc Chương – Người Việt Online