Khởi nghiệp kinh doanh – Lập kế hoạch kinh doanh để thành công

Khởi nghiệp kinh doanh - Lập kế hoạch kinh doanh để thành công

Dù bạn mới chỉ khởi nghiệp hay đã sẵn sàng để mở rộng doanh nghiệp của mình thì kế hoạch kinh doanh chính là bản kế hoạch chi tiết ho sự thành công của bạn. Với khung thời gian từ 3 đến 5 năm trong tương lai, kế hoạch kinh doanh nêu rõ mục tiêu kinh doanh và vạch ra đường đi của bạn để đạt được những mục tiêu đó.

Kế hoạch kinh doanh là vô cùng cần thiết nhằm thu hút đầu tư cho các doanh nghiệp mới khởi sự. Đây cũng là một công cụ quan trọng để quản lý và mở rộng một doanh nghiệp đã thành lập và đang hoạt động.

Khởi nghiệp kinh doanh - Lập kế hoạch kinh doanh để thành công

Lập kế hoạch kinh doanh giúp bạn củng cố mục đích kinh doanh và
phát triển các thước đo thành công. (© iStockphoto/Thinkstock ) 

Bởi vì mỗi doanh nghiệp là một đơn vị nên mỗi kế hoạch kinh doanh cũng khác nhau. Tuy nhiên, kế hoạch kinh doanh nào cũng cần phải có các yếu tố sau:

Tóm tắt

Phần này mô tả ngắn gọn về kế hoạch kinh doanh của bạn. Nó đề cập đến nhiệm vụ, lịch sử, tổ chức và cơ cấu kinh doanh của bạn. Phần tóm tắt này cần đưa ra tổng quan về các sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn, chiến lược để tiếp thị sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn, và một bản tóm tắt về doanh thu, lợi nhuận và dòng tiền dự tính.

Nếu bạn sử dụng kế hoạch kinh doanh để thu hút đầu tư thì phần tóm tắt cũng nên nói rõ bạn cần bao nhiêu vốn và bạn định sử dụng số vốn đó như thế nào.

Bởi vì phần tóm tắt này gói gọn toàn bộ kế hoạch kinh doanh của bạn nên mặc dù nó là phần đầu tiên trong kế hoạch kinh doanh của bạn, nhưng bạn lại nên viết nó cuối cùng.

Mô tả về doanh nghiệp

Phần này giải thích những gì doanh nghiệp của bạn làm. Nó bao gồm lịch sử kinh doanh của bạn, sứ mệnh, cơ cấu tổ chức và chiến lược tiếp thị. Nó cũng cần đề cập đến các vấn đề hành chính như địa điểm kinh doanh, cơ cấu pháp lý và nhân sự, và diễn giải cách bạn sẽ xử lý các vấn đề về kế toán, bảo hiểm, pháp lý và an ninh.

Phân tích thị trường

Phần này mô tả ngành của bạn, thị trường cho các sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn và những đối thủ cạnh tranh mà doanh nghiệp của bạn phải đối mặt. Cho dù bạn thuê một công ty nghiên cứu thị trường hoặc dùng Internet thì bản phân tích thị trường của bạn cần phải dựa trên các dữ liệu thực tế và cho thấy doanh nghiệp của bạn sẽ thành công như thế nào. Phân tích thị trường mô tả qui mô hiện tại của ngành của bạn, sự phát triển và các xu hướng từ trước đến nay; xác định chính xác thị trường mục tiêu của bạn, các đặc điểm và nhu cầu đặc trưng của thị trường đó, và xác định các đối thủ cạnh tranh, cũng như điểm mạnh và điểm yếu của chúng.

Tổ chức và quản lý

Phần này nêu lên cơ cấu tổ chức doanh nghiệp và thông tin chung về những nhân sự chủ chốt trong doanh nghiệp. Phần này mô tả các bộ phận trong doanh nghiệp của bạn, trách nhiệm tương ứng của những bộ phận đó và cách những bộ phận này tương tác với nhau. Bạn có thể vẽ sơ đồ tổ chức trong phần này để truyền đạt thông tin này một cách trực quan. Bạn cũng nên đề cập tới kinh nghiệm và trách nhiệm của những nhân sự điều hành cấp cao trong doanh nghiệp của bạn. Hãy chỉ ra xem mỗi người trong số họ sẽ giúp doanh nghiệp của bạn đạt được mục tiêu như thế nào.

Sản phẩm hoặc dịch vụ

Trong phần này, bạn nên làm nổi bật (những) sản phẩm hoặc dịch vụ mà doanh nghiệp của bạn cung cấp và điều gì làm cho chúng chiếm ưu thế hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Hãy cho thấy sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn sẽ đáp ứng nhu cầu của thị trường mục tiêu và giúp doanh nghiệp của bạn duy trì một lợi thế cạnh tranh như thế nào. Bạn cũng nên đưa vào phần này các bản lịch trình, chi phí và các nhân sự cần thiết để cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ của mình, cùng với bất kỳ rủi ro tiềm ẩn nào và bạn sẽ làm thế nào bạn để giảm thiểu những rủi ro này.

Chiến lược tiếp thị và bán hàng

Phần này nêu lên chi tiết cách bạn tiếp thị và bán sản phẩm hoặc dịch vụ của mình. Chiến lược tiếp thị bao gồm phương thức xác định và thu hút khách hàng như thế nào; phát triển kinh doanh ra sao; các cách phân phối sản phẩm hoặc dịch vụ, và bạn sẽ làm thế nào để giao tiếp với thị trường mục tiêu của mình. Chiến lược bán hàng chỉ ra cách thức bạn sẽ bán sản phẩm của mình.

Yêu cầu cấp vốn (Tuỳ chọn)

Nếu bạn sử dụng kế hoạch kinh doanh để thu hút các nhà đầu tư thì phần này cần nêu rõ số vốn mà doanh nghiệp của bạn yêu cầu và doanh nghiệp của bạn sẽ sử dụng số vốn đó như thế nào.

Khởi nghiệp kinh doanh - Lập kế hoạch kinh doanh để thành công

Dùng đồ thị và biểu đồ để minh
họa nội dung kế hoạch kinh doanh.
(© iStockphoto/Thinkstock)

Dự báo tài chính

Phần này dự báo tình hình tài chính trong tương lai của doanh nghiệp của bạn. Cần đưa vào ba báo cáo: báo cáo thu nhập (báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh) dự báo doanh nghiệp của bạn sẽ lãi hoặc lỗ bao nhiêu; báo cáo dòng tiền minh họa doanh nghiệp của bạn sẽ cần bao nhiêu tiền và những khoản tiền đó sẽ đến từ đâu; và bảng cân đối kế toán phản ánh doanh nghiệp của bạn sẽ có bao nhiêu so với nó sẽ nợ bao nhiêu. Một kế hoạch kinh doanh tốt đưa ra dự báo hàng tháng cho năm đầu tiên, dự báo hàng quý cho năm thứ hai, và dự báo hàng năm cho các năm còn lại trong kế hoạch. Để đảm bảo tính tương đương, bạn nên hoàn thành phần này sau các phần về tổ chức và tiếp thị. Các doanh nghiệp đã thành lập cũng cần cung cấp các dữ liệu tài chính trong quá khứ. Các báo cáo thu nhập, báo cáo dòng tiền và bảng cân đối của năm năm trước là đủ để đáp ứng yêu cầu này.

Phụ lục

Phần này bao gồm các tài liệu phụ trợ như sơ yếu lý lịch của các nhà lãnh đạo của công ty, thiết kế sản phẩm, phân tích thị trường hoàn chỉnh, văn bản pháp lý và thư giới thiệu. Phần phụ lục nên được cung cấp khi cần thiết – đặc biệt là nếu nó có chứa thông tin nhạy cảm.

Khi bạn đã hoàn thành kế hoạch kinh doanh của mình thì hãy thường xuyên rà soát lại nó để theo dõi tiến độ của doanh nghiệp và đưa ra những điều chỉnh cần thiết.

Lưu giữ hồ sơ của tất cả các kế hoạch kinh doanh mà bạn phát ra. Điều này cho phép bạn cập nhật tất cả các bản sao kế hoạch kinh doanh của bạn – và đảm bảo rằng thông tin của bạn ở trong tay đúng đối tượng. Nếu bạn dự định đưa kế hoạch kinh doanh cho các nhà đầu tư tư nhân, hãy thêm vào một điều khoản về nghiêm cấm phát tán thông tin riêng lẻ. Điều khoản này nghiêm cấm các nhà đầu tư phân phối thông tin của bạn, và điều khoản này cần được đặt ở ngay phần đầu của kế hoạch kinh doanh của bạn.

Cơ quan quản lý doanh nghiệp nhỏ (SBA) của Hoa Kỳ tài trợ cho một trang web cung cấp các ý tưởng cho kế hoạch kinh doanh và các thông tin hữu ích khác tại business.usa.gov.

Nguồn: Ấn phẩm của Chương trình Thông tin Quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tháng 3/2013