Những công việc làm thêm nói tiếng Việt ở nước ngoài
Tại môi trường đa văn hóa ở nước ngoài, việc nói được nhiều ngôn ngữ một lúc sẽ mang lại cho bạn rất nhiều cơ hội làm thêm thú vị. Thậm chí đôi khi bạn còn có thể kiếm được việc nhờ vào ngôn ngữ mẹ đẻ của mình nữa đấy.
Gia sư tiếng Việt
Nếu ngoài tiếng mẹ đẻ và ngôn ngữ bản xứ mà bạn còn biết một thứ tiếng khác nữa, thì khả năng kiếm được công việc gia sư ngoại ngữ là rất cao. Tuy nhiên, việc trở thành gia sư tiếng Việt không phải là một công việc phổ biến mà chỉ dành cho những gia đình có hoàn cảnh khác biệt.
Quang Thành, một du học sinh ngành Kinh tế đã được một gia đình bản xứ nhờ làm gia sư và baby-sitter (người trông trẻ) cho ba người con nuôi gốc Việt của họ vào mỗi sáng Chủ nhật. Mục đích của chủ nhà đơn giản là để con cái họ được làm quen với một người Việt trẻ sống động.
Thông thường, những công việc này không thường xuất hiện trên các kênh thông tin việc làm chính thống. Bạn có thể viết một mẩu giấy rồi dán trên khu vực thông báo của siêu thị, tìm đến các khu có cộng đồng nhiều người Việt Nam sinh sống hay hiệu quả nhất là thông qua hình thức truyền miệng.
Thông dịch viên
Ngoài ra còn có một hình thức việc làm thêm phổ thông khác là đi phiên dịch cho cộng đồng người Việt và các cơ quan của nước sở tại. Ở Anh, nhiều du học sinh còn có phương án đi dịch tiếng Việt cho các bệnh viện và tổ chức Xã hội. Thông thường, những người Việt nhập cư lâu năm kém tiếng Anh là những người cần phiên dịch viên nhất. Bạn có thể sẽ nhận phiên dịch giúp khi họ đi khám sức khỏe, khi ra tòa, thậm chí là dịch cho người bệnh nhân tâm thần với hội đồng bác sĩ.
Cái lợi của công việc phiên dịch là bạn sẽ được phát triển khả năng tiếng, đặc biệt là những từ chuyên ngành về Xã hội, Pháp lý, Y khoa… Tuy nhiên, đây không phải là công việc phổ thông dành cho nhiều người vì yêu cầu khá cao, đặc biệt là về khả năng từ ngữ chuyên môn. Bạn có thể tìm tới cộng đồng người Việt tại các nước và các du học sinh đi trước để được hướng dẫn về công việc này.
Còn nữa, với lợi thế am hiểu văn hóa bản xứ, cộng thêm khả năng ngôn ngữ mẹ đẻ, bạn hoàn toàn có thể làm công việc phiên dịch cho các chương trình giao lưu của các cơ quan ở Việt Nam sang tham quan học hỏi. Các hội chợ quốc tế có gian hàng của công ty Việt Nam tham gia cũng là một cơ hội việc làm thú vị. Tất nhiên, để có được những công việc này, bạn cần có mối quan hệ gắn bó với những tiền bối đi trước.
Những công việc không tên
Nếu không ham hố những công việc làm thêm cố định, bạn có thể vào ra các trang web trao đổi mua bán, dịch vụ của du học sinh để chờ những công việc như đưa đón người thân của các bạn du học sinh đi du lịch, ra sân bay, dịch thuật giấy tờ hay thậm chí là công việc tổng hợp tin tức các báo nước ngoài để cộng tác với báo chí trong nước. Hoặc bạn cũng có thể xin chạy bàn, phụ bếp ở những nhà hàng Việt Nam cần người biết nói cả tiếng Việt lẫn ngôn ngữ bản địa, để dễ dàng trao đổi với chủ tiệm (đôi khi là những người lớn tuổi và không biết ngôn ngữ bản địa bài bản như bạn).
Tóm lại, trong trường hợp bạn chưa thực sự tự tin với ngoại ngữ của mình thì việc tìm tới những công việc làm thêm với người Việt ở nước ngoài (hay trong nước) là phương án thích hợp nhất. Và bạn có hàng tá cách để sử dụng tiếng Việt của mình sao cho hiệu quả.
Việc làm thêm ở nước ngoài không hề hiếm có khó tìm như mọi người vẫn nghĩ đâu, đặc biệt là ở những nơi có đông người Việt sinh sống. Quan trọng là bạn có năng động và sẵn sàng dấn thân hay không thôi.
Luôn có những bông hoa cho những ai muốn nhìn thấy chúng mà!
Theo: hotcourses