Hoa Kỳ đổi hẳn phương pháp giáo dục phổ thông – Common Core Standards

Nước Mỹ đổi hẳn phương pháp giáo dục phổ thông - Common Core Standards Nước Mỹ đổi hẳn phương pháp giáo dục phổ thông - Common Core Standards

Sắp tới, toàn quốc Hoa Kỳ sẽ áp dụng một khuynh hướng giảng dạy mới, có tên là “Common Core Standards,” trong đó học sinh từ mẫu giáo đến lớp 12 được khuyến khích thảo luận, để hiểu sâu vào bản chất vấn đề hơn là học thuộc lòng.

“Common Core Standards” (Tạm dịch: “Tiêu Chuẩn Cốt Lõi Chung” hay “Tiêu Chuẩn Chung”), là cải cách giáo dục quan trọng và rộng lớn nhất cho các trường công lập Hoa Kỳ từ trước đến nay.

Hiện 45 tiểu bang (trong đó có California) và District of Columbia đã đồng ý áp dụng Tiêu Chuẩn Chung cho việc giảng dạy, bắt đầu áp dụng từ niên khóa 2014-2015.

Trả lời phỏng vấn nhật báo Người Việt, luật sư Nguyễn Quốc Lân, Ủy Viên Giáo Dục Học Khu Garden Grove, cho biết đây là một “thay đổi lớn trong cách giảng dạy” mà học khu Garden Grove cũng đang chuẩn bị ráo riết để kịp áp dụng cho niên khóa tới.

Thay đổi lớn

“Theo lối dạy của Common Core, học sinh phải biết cộng tác, thảo luận với nhau, giải thích cho nhau nghe nhận định của mình, biết cách xử dụng internet để nghiên cứu, phải hiểu mọi vấn đề một cách sâu sắc, và phải có khả năng phân tích.” Luật sư Nguyễn Quốc Lân giải thích.

Nước Mỹ đổi hẳn phương pháp giáo dục phổ thông - Common Core Standards Nước Mỹ đổi hẳn phương pháp giáo dục phổ thông - Common Core Standards

Biểu đồ của Common Core Standards, một chương trình giáo dục mới được áp dụng trên toàn quốc Hoa Kỳ kể từ niên khóa 2014-2015. (Hình: website www.corestandards.org)

“Trong cách học mới này, học sinh sẽ rất cần sự hỗ trợ của các bậc phụ huynh, cần hơn cả trước đây, nhưng hầu hết các học khu cho đến giờ phút này, chưa chuẩn bị chương trình để nói chuyện với học phụ huynh như thế nào, chưa có một văn bản nào được dịch ra tiếng Việt. Và việc làm sao cho phụ huynh hiểu rõ Common Core Standards là gì, là một quan tâm rất lớn của chúng tôi.”

Kể từ niên khóa 2014-2015, cho hai môn Toán và Anh ngữ, các thầy cô giáo trên toàn quốc Hoa Kỳ phải áp dụng cách giảng dạy hoàn toàn mới để theo sát những tiêu chuẩn giáo dục mới được đặt ra cho học sinh từ Mẫu Giáo đến lớp Mười Hai.

Sự ra đời của Common Core Standards

Đối diện với hiện tượng học sinh tốt nghiệp trung học ở các tiểu bang có trình độ khác nhau, nhiều em có trình độ Anh văn rất yếu, không viết nổi một bài viết hay trình bày một vấn đề cho mạch lạc, và khi vào đại học, lúng túng không biết phải làm thế nào để nghiên cứu một đề tài, giới giáo dục đã bỏ ra nhiều năm nghiên cứu, và đi đến quyết định là phải hoàn toàn thay đổi cách giảng dạy.

Để cho cách giảng dạy mới được hữu hiệu, giới nghiên cứu giáo dục cho rằng cần phải soạn có một tiêu chuẩn tối thiểu chung, mà tất cả mọi trường học công lập ở Hoa Kỳ phải áp dụng.

Kể từ năm 2010, hai tổ chức The Council of Chief State School Officers (CCSSO) và National Governors Association Center for Best Practices (NGA), với nhiều góp ý của giáo viên, phụ huynh, và các nhà lãnh đạo cộng đồng đã soạn ra tiêu chuẩn cho từng lớp, từ Mẫu Giáo đến lớp Mười Hai.

Tiêu chuẩn giảng dạy mới cho từng lớp được đặt ra với mục đích tối hậu là đào tạo được một lớp trẻ có khả năng suy luận sắc bén, nắm vững được các khái niệm tổng quát, biết cách diễn đạt và giải thích quyết định hay lựa chọn của mình, vì đây là vốn liếng cần có để chuẩn bị cho đại học, hay trở thành một nhân viên giàu khả năng.

Nói một cách cụ thể hơn, về môn Toán, tiêu chuẩn mới đòi hỏi học sinh không đơn giản chỉ tìm ra đáp số nhờ nhớ và làm theo công thức, mà còn phải giải thích tại sao lại có công thức đó. Về Anh ngữ, tiêu chuẩn mới đòi học sinh phải có khả năng diễn đạt lưu loát, trình bày vấn đề một cách mạch lạc, nói tóm lại, có khả năng nhận định và giao tiếp cao.

Giới ủng hộ Common Core Standards cho rằng đây là một bước tiến dài, vì là lần đầu tiên đất nước Hoa Kỳ có một bức tranh rõ nét về “khả năng cốt lõi chung” mà học sinh ở mọi tiểu bang cần có.

Giới phản đối cho rằng thay đổi này tuy có thể đúng trên nguyên tắc, nhưng quá lớn, quá đồ sộ, được áp dụng quá gấp rút, không đủ thì giờ cho các học khu thầy cô chuẩn bị chu đáo, sách giáo khoa mới cũng chưa được biên soạn đầy đủ, đừng nói đến việc chuẩn bị cho các bậc phụ huynh.

Nhưng dù ủng hộ hay chống đối, cả hai bên đều công nhận Common Core Standards là chương trình giáo dục mà muốn thực hiện thành công, đòi hỏi sự hỗ trợ của mọi bên liên quan đến học sinh, trong đó phụ huynh đóng vai trò quan trọng.

Ảnh hưởng lên việc giảng dạy

Tiếp xúc với phóng viên báo Người Việt, bà Sandra Gephart, hiệu trưởng trường trung học Arleta High School, cho biết, theo bà, đây là thay đổi cơ bản về bản chất của việc dạy và việc học.

“Sự thay đổi này đòi hỏi chúng tôi từ giờ sẽ không còn dạy học sinh những điều phải học thuộc lòng, học sinh sẽ không được chỉ hiểu qua loa một vấn đề, một bài học, mà phải hiểu một cách thấu đáo, và áp dụng những khái niệm mình đang học vào đời sống thực tiễn. Các em sẽ được chia thành nhóm trong giờ học, để quen với cách trình bầy vấn đề, và cách làm việc chung.”

Ông David Nguyễn, một thầy giáo dạy Toán thuộc ABC Unified School District nói: “Chúng tôi phải dạy các em cách biết nhận định, phân tích, tạo ra giả thuyết, và tự mình kiểm chứng những giả thuyết đó. Các em sẽ được đào tạo để suy nghĩ như một nhà toán học thay vì chỉ biết làm toán, để phát triển những nhận thức bén nhạy để phân tích những vấn đề mà họ sẽ phải đối diện trong thế kỷ 21.”

Ông David Nguyễn đưa ra một thí dụ về cách làm bài tập của một học sinh lớp ba, môn toán, đang học về phân số, để làm rõ sự khác biệt: Bài tập hiện giờ: “Cộng hai phân số 3/3 và 2/5, diễn tả kết quả bằng mẫu số chung nhỏ nhất.”

“Trong bài tập này, các em sẽ phải nhớ thuộc lòng cách làm, và viết ra cách làm của mình, sao cho ra đúng kết quả là 21/15”. Ông David giải thích.

Vẫn theo ông David, bài tập sau khi áp dụng Common Core sẽ là: “Giải thích tại sao 3/3 + 2/5 = 21/15.”

“Trong trường hợp này các em phải hiểu khái niệm về phân số và phải có khả năng giải thích tại sao phải hóa đồng mẫu số để tìm ra được câu trả lời.” Ông nói thêm.

Bà Sandra Gephart đưa ra một thí dụ về bài tập Anh ngữ trước và sau khi áp dụng Common Core Standards.

Học sinh lớp Ba, trong giờ Reading Comprehension (Đọc và Hiểu), được đọc một đoạn văn về hành trình bay vào không gian của một nhóm phi hành gia, và phải trả lời một số câu hỏi.

Những câu hỏi tiêu biểu hiện nay:

  • Phi thuyền tên là gì? Các phi hành gia trong đoạn văn trên đang chuẩn bị đi đâu?
  • Tại sao mọi người khắp nơi trên thế giới lại chăm chú theo dõi hành trình của họ qua màn ảnh truyền hình?”
  • Những câu hỏi sau khi áp dụng Common Core Standards sẽ rất khác:
  • Tác giả cố gắng truyền đạt điều gì khi ông tả: “Những người đàn ông mặc quần áo thích hợp cho một nơi lạnh hơn, và lạ lùng hơn. Họ qua lại với những bước chân cứng và vụng về? Dùng những dữ kiện trong đoạn văn trên để giải thích câu trả lời của em.
  • Tại sao hành trình này là một biến cố lịch sử quan trọng? Dùng những dữ kiện trong đoạn văn trên để giải thích câu trả lời của em.

Hai thí dụ trên cho thấy sự khác biệt của lối giảng dạy ngày nay và cách giảng dạy mới, sẽ được áp dụng trong niên khóa tới, chỉ trong vòng mấy tháng nữa. Lối giảng dạy mới này, chắc chắn sẽ làm một số học sinh lúng túng, nhất là những học sinh gốc Việt, mà Anh ngữ không phải là tiếng mẹ đẻ.

Mặt khác, theo các chuyên gia, chương trình giáo dục mới cũng đòi hỏi sự tham gia, giúp đỡ của bố mẹ trong việc học của con em nhiều hơn trước, trong khi đó, một số phụ huynh gốc Việt có khi còn gặp trở ngại ngôn ngữ nhiều hơn con em mình.

Trong bài viết tới, chúng tôi sẽ trình bày về ảnh hưởng của chương trình Common Core Standards lên học sinh và phụ huynh gốc Việt.

Nguồn: Người Việt Online