Giáo dục và hướng nghiệp cho con

Mùa tựu trường sắp đến, bất cứ ai làm cha, làm mẹ cũng đều mong con mình được giáo dục tốt, nên người và chọn được nghề nghiệp phù hợp.

Mỗi người trong chúng ta xuất thân từ mỗi gia đình khác nhau về cách được chăm sóc, nuôi nấng, dạy dỗ. Vì thế, chúng ta có những quan niệm riêng, giá trị riêng về cuộc sống và nguyên lý sống. Chính vì vậy, câu dạy “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” được hiểu, áp dụng, và thi hành hoàn toàn khác nhau qua mỗi trình độ, của mỗi người trong xã hội.

Nghề nào cũng cao cả quý giá, và xứng đáng nếu con người làm việc có hiệu quả, vừa giúp ích cho chính mình, vừa tham gia đóng góp một cách hữu hiệu vào việc phục vụ và xây dựng xã hội. Nhưng nghề nào thật sự phù hợp cho mỗi người, cho mỗi đứa con khác biệt trong từng gia đình?

Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” có giá trị sâu sắc, nhưng vì hạn chế số chữ, nên mang ý nghĩa tổng quát? Có lẽ câu này còn mang ý nghĩa trừu tượng, chưa được làm sáng tỏ vì chưa có được bậc thầy nào giải nghĩa rõ ràng, chi tiết, và chu đáo hơn cho chúng ta chăng?

Một câu ngụ ngôn, châm ngôn, dễ nói nhưng rất khó để thực hành, để giúp những thường dân hiểu và lấy đó làm mục đích mà đeo đuổi, rèn luyện, để ngày càng giỏi giang, chuyên nghiệp, một việc làm, một nghề xuất sắc, sẽ mau tiến thân và sung túc hơn là làm nhiều nghề (bá nghệ) nhưng không đâu ra đâu cả.

Ai trong chúng ta cũng đều mong muốn con cái của mình làm việc siêng năng để đáp ứng các nhu cầu về mưu sinh, cũng như sự thành đạt trong nghề nghiệp, mà không phải ăn bám, hoặc tiến thân bằng cách lợi dụng, hay bóc lột sức lao động của người khác.

Muốn có một nghề xuất sắc, chân chính, và cao thượng trong xã hội, đầu tiên chúng ta phải được học từ những bậc thầy, giáo sư, có tài năng, có lương tâm, và chân chính. Người xưa có câu: “Không thầy, đố mày làm nên”. Nhưng ai là những bậc thầy xứng đáng, có tài, và nhân đức, thật sự có kiến thức và phương pháp giảng dạy hữu hiệu và đào tạo được những học sinh trở thành người vừa tài giỏi, vừa nhân đức?

Du học Mỹ - Giáo dục và hướng nghiệp cho con

“Không thầy đố mày làm nên”. Ảnh hoạ. Nguồn: myeducationadvises.com

Giáo dục và hướng nghiệp

Mỗi người con sinh ra trong mỗi gia đình khác nhau, có đặc tính riêng, khuynh hướng riêng, bản chất riêng, và trình độ đặc biệt riêng. Có người không phải do được giáo dục trong gia đình nhưng lại sở hữu tài “thiên phú” (Trời cho). Nhưng dù là thiên phú, hay không, thì một hạt giống tốt luôn cần được chăm sóc và dưỡng nuôi chu đáo. Một người con ngoan được cha mẹ nuôi nấng, chăm lo, dạy dỗ cẩn thận sẽ có điều kiện và cơ hội để thành công trên đường đời, trở thành một thành phần xuất sắc, chuyên nghiệp, chân chính, và phục vụ tốt cho xã hội.

Cha mẹ sẽ là những người đầu tiên, nhận diện khả năng, khuynh hướng và bản chất đặc biệt của con mình từ khi chúng còn bé. Để chuẩn bị cho con mình bước vào đời và tiếp tục trở thành những người có chuyên môn xuất sắc, và nhân đức, các bậc cha mẹ cũng nên biết cách nuôi dưỡng, giáo dục con em mình. Ví dụ, cha mẹ biết cách hướng dẫn con cái biết tìm bạn tốt để chơi. “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.”, biết tiếp xúc và sinh hoạt trong môi trường nào là tốt; biết tránh những gì đầu độc, nguy hại, và làm suy giảm sự phát triển thể xác, lẫn trí tuệ,…

Gia đình, nhà trường và xã hội đều có vai trò quan trọng, cần thiết cho sự phát triển nhân cách và hướng nghiệp cho con cái. Vì vậy, một người lớn lên ít nhiều chịu ảnh hưởng bởi cha mẹ, thầy cô, bạn bè, và môi trường sống.

Cũng có câu “Con hơn Cha là nhà có phúc”. Vậy làm sao để con cái chúng ta trở thành những công dân toàn diện thành đạt, vượt trội bội phần hơn chúng ta về cả kiến thức, minh triết, lẫn nghề nghiệp? Trường hợp những gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, cơm không đủ no, áo không đủ mặc thì sẽ trông cậy vào đâu để con mình được tiến thân?

Các bậc phụ huynh chắc hẳn sẽ có nhiều câu hỏi trong quá trình giáo dục và hướng nghiệp cho con cái. Ví dụ cho con học trường nào?, thầy nào?, tìm bạn nào cho con?

Không ít các bậc phụ huynh từng lý tưởng những nhân vật nổi tiếng trong xã hội và mong ước, đặt kỳ vọng vào con mình sẽ trở thành những người như vậy. Nhưng nếu chúng không đạt được như mong đợi thì sao? Phải đối phó, xử sự thế nào đây, khi con cái có hướng đi nghề nghiệp đối nghịch với sự mong mỏi và ao ước của mình?

Câu hỏi thật không dễ trả lời, nhưng đó là thực tế mà bất cứ bậc làm cha mẹ nào cũng cần phải quan tâm, suy nghĩ, và tìm cách giải quyết.

GS. Alexander Lê Trung CangNgười Việt Online