Mỹ tăng số sinh viên vào trường Y khoa trong tương lai

Thẻ xanh mỹ – Ðể được nhận vào trường Y khoa luôn là điều khó khăn, cho dù ở quốc gia nào, vì có rất nhiều sự tranh đua và tiêu chuẩn tuyển chọn khó khăn.

Nhưng với số người cao niên ngày càng gia tăng ở Mỹ, do giới “baby boomer” đến tuổi nghỉ hưu, nhu cầu bác sĩ đang lên cao và do đó số sinh viên được trường Y khoa tại Mỹ cũng sẽ tăng lên trong thời gian tới. Theo tin của US News and World Report.

Bản tin cho biết, hồi Tháng Năm năm nay, Hiệp Hội Các Ðại Học Y Khoa Mỹ (AAMC) loan báo số sinh viên được nhận vào trường Y khoa sẽ tăng 30% từ năm 2002 đến 2017. Năm 2002 có 16,488 sinh viên năm đầu Y khoa, và AAMC dự trù con số này sẽ tăng lên thành 21,434 sinh viên vào năm 2017.

Một số trường Y khoa đã nâng cao sĩ số sinh viên trong lớp, tuy nhiên phần lớn sự tăng trưởng này là nhờ vào việc có hơn một chục trường Y khoa mới thành lập và được chứng nhận vài năm trở lại đây. Và số sinh viên tốt nghiệp các trường này cũng gia tăng theo từng năm.

Vẫn theo bản tin, vào năm 2009, trường Y khoa Paul L. Foster School of Medicine ở đại học Texas Tech University khởi sự với 40 sinh viên năm đầu. Vào Tháng Bảy năm nay, số sinh viên năm đầu sẽ lên đến 100 người. Trường Y Khoa Herbert Wertheim College of Medicine ở đại học Florida International University làm lễ tốt nghiệp hồi Tháng Tư cho lớp đầu tiên gồm 33 sinh viên. Niên khóa mới khởi sự vào Tháng Tám sẽ có khoảng 120 sinh viên năm đầu.

Những gia tăng này có được là để đáp ứng nhu cầu, không chỉ trong số bệnh nhân mà còn vì những thay đổi của ngành nghề này.

“Hiện mỗi ngày có khoảng 10,000 người thuộc giới ‘baby boomer‘ nghỉ hưu ở Mỹ và những người này thường cần có sự chăm sóc nhiều hơn về mặt y tế,” theo John Prescott, giám đốc đặc trách giáo dục của AAMC. Các bác sĩ ra trường về sau này cũng không muốn đi theo tiêu chuẩn làm việc khi trước là phải dành 60 tiếng đồng hồ mỗi tuần hay hơn nữa cho việc chăm sóc bệnh nhân, ông Prescott nói.

“Thế hệ các bác sĩ mới sau này có sự cân bằng hơn về đời sống và việc làm của họ, và điều đó đòi hỏi phải có thêm bác sĩ.”

Tuy nhiên, những ai muốn vào trường Y khoa cũng không nên chờ đợi rằng vì có thêm trường và lớp được mở rộng hơn sẽ đương nhiên giúp họ dễ dàng được nhận hơn.

“Sự tranh đua không chỉ ở con số nhưng cũng là ở phẩm chất của người sinh viên Y khoa,” theo lời Eneida Roldan, giới chức có trách nhiệm thu nhận sinh viên tại Herbert Wertheim College of Medicine. Nhiều trường Y khoa này có những tiêu chuẩn đánh giá toàn diện người sinh viên thay vì chỉ nhắm vào điểm học bạ như trước.

“Chúng tôi không chỉ chọn những sinh viên có điểm cao trong các môn khoa học, như đã thấy trường đây,” theo lời Roldan. Các trường Y khoa nay nhắm đến các sinh viên có thành tích tham dự các hoạt động cộng đồng và có tinh thần về công bằng xã hội.

“Việc vào trường Y khoa hiện vẫn khó khăn,” theo lời Nida Degesys, chủ tịch Hiệp Hội Sinh Viên Y Khoa Mỹ.

Ðể có nhiều khả năng được nhận vào trường Y khoa, cô Degesys đề nghị là người sinh viên nên suy nghĩ kỹ càng về những nỗ lực phục vụ cộng đồng của họ và nghiên cứu kỹ về lãnh vực Y khoa.

“Rất nhiều người tình nguyện làm đủ mọi thứ việc. Tôi nghĩ khi bạn cho thấy là mình có sự lựa chọn những gì có tính cách lâu dài thay vì chỉ vài ngày, điều đó sẽ làm cho các trường đánh giá cao hơn. Tôi nghĩ khi bạn muốn vào trường Y khoa, bạn nên cho thấy là mình chú ý đến lãnh vực này bằng cách tình nguyện làm việc hay đi theo quan sát tại bệnh viện.”

Và không chỉ đi theo các bác sĩ, người sinh viên cũng có thể đi theo các điều dưỡng viên, hay các phụ tá bác sĩ để có những kinh nghiệm hữu ích.

“Vai trò mỗi người mỗi khác nhưng điều đó không có nghĩa là bạn không thu nhận được các kinh nghiệm tốt đẹp khi đi theo họ,” cô Degesys nói.

Nhưng việc thu nhận thêm sinh viên Y khoa cũng đưa đến khó khăn là kiếm đủ chỗ cho họ đi thực tập.

Ông Prescott nói rằng chương trình Medicare của chính phủ Mỹ, vốn ảnh hưởng lớn lao đến con số các vị trí thực tập ở các bệnh viện Mỹ, vẫn giữ nguyên số này từ năm 1997 đến nay.

Theo: Người Việt Online