CCSF mất công nhận, hơn 80,000 sinh viên điêu đứng
Thẻ xanh mỹ – Trường đại học cộng đồng City College of San Francisco (CCSF) vừa được Ủy Ban Kiểm Ðịnh Các Ðại Học Cộng Ðồng (ACCJC) thông báo là sẽ thu hồi công nhận dành cho trường kể từ Tháng Bảy năm 2014, một điều ảnh hưởng tới 85,000 sinh viên và hàng ngàn giáo sư tại trường. Hệ Thống Ðại Học Cộng Ðồng California (CCCS) dự trù sẽ có biện pháp phản đối, yêu cầu xét lại quyết định này, nhưng các giải pháp phải thi hành để có lại sự công nhận tự nó cũng là những thử thách lớn lao.
Trong năm qua, trường City College of San Francisco có nhiều nỗ lực để đáp ứng các điều kiện đòi hỏi cho việc chứng nhận, từ điều hành cho đến chương trình giảng dạy, bằng cách cắt giảm nhân viên, thay đổi phương cách điều hành, tìm thêm nguồn hỗ trợ tài chánh từ người trả thuế.
Ðối với nhiều người trong cộng đồng vùng San Francisco, trường CCSF có vẻ đã thực hiện được đủ các điều kiện để tiếp tục có sự chứng nhận.
Tuy nhiên, tuần qua Ủy Ban Kiểm Ðịnh Các Ðại Học Cộng Ðồng thẳng thừng cho hay trường CCSF không đủ khả năng tài chánh để có thể tồn tại và thông báo việc chấm dứt công nhận kể từ Tháng Bảy năm 2014.
Bà Alisa Messer, chủ tịch Nghiệp Ðoàn Giáo Sư (AFT) tại địa phương, vốn đại diện thành viên trong ban giảng huấn nhà trường, nói rằng quyết định này “bất ngờ và quá đáng”. Bà Messer cho rằng CCSF đang có nhiều tiến triển trong lãnh vực điều hành và tài chánh, trong khi không có chỉ dấu là có sự sút giảm trong khả năng học tập của sinh viên.
Tuy nhiên các vấn đề tài chánh, với việc nhà trường được ước tính là sẽ tiếp tục bị thiếu hụt trong niên khóa 2014-2015 dù có thêm nguồn tiền trợ cấp từ tiền thuế tiểu bang cũng như địa phương, có vẻ trở nên quá lớn lao khiến các thanh tra của ACCJC không thể bỏ lơ.
Chủ tịch ACCJC, bà Barbara A. Beno, trong lá thư loan báo quyết định rút công nhận, nói rằng trường CCSF “và nhiều người trong ban điều hành đã có nhiều nỗ lực để giúp trường vượt qua khó khăn”. Tuy nhiên, theo bà Beno, trường CCSF vẫn còn cần thêm thời giờ và có các nỗ lực được phối hợp chặt chẽ “để đạt được tiêu chuẩn cho việc công nhận”.
Quyết định này khiến trường CCSF, với khoảng 85,000 sinh viên, ban giảng huấn và nhân viên vào khoảng 2,600 người, thành phố San Francisco và cả tiểu bang California đột nhiên lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Tự mình có lại việc chứng nhận qua các biện pháp cải tổ là điều được coi là rất cam go cho CCSF. Sát nhập vào một đại học khác đang có công nhận là điều không dễ dàng, với các khó khăn chưa thấy được hết. Và trường này cũng quá lớn nên chẳng thể có biện pháp giản dị là đột nhiên đóng cửa toàn diện.
Biện pháp đối phó đầu tiên được loan báo hôm Thứ Tư tuần qua, ngay sau khi có quyết định thu hồi công nhận của ACCJC. Hệ Thống Ðại Học Cộng Ðồng
California cho hay sẽ phản kháng quyết định này, đồng thời thay đổi hội đồng điều hành trường CCSF.
Thị trưởng thành phố San Francisco, ông Edwin M. Lee, nói rằng “phải có một chương trình hành động táo bạo để cứu lấy trường Ðại Học Cộng Ðồng San Francisco”.
Tuy nhiên, trên đường dài, các chọn lựa đối với CCSF có vẻ cũng mờ mịt. Tiếp tục hoạt động mà không có sự công nhận là điều không thể xảy ra. Nhà trường phải được sự công nhận để sinh viên được tiếp tục vay tiền học hay có học bổng của chính quyền liên bang Mỹ, và để các tín chỉ của sinh viên được các trường khác chấp nhận khi thuyên chuyển. Và việc đi xin sự công nhận từ một cơ quan nào khác là điều không được luật tiểu bang cũng như liên bang cho phép.
Trong một trường hợp tương tự duy nhất trong lịch sử tiểu bang California, trường đại học cộng đồng Compton Community College, ở vùng Nam California, được sát nhập vào đại học El Camino College sau khi trường Compton bị mất công nhận năm 2005. Trường CCSF cũng có một số trường chung quanh để tìm cách sát nhập nhưng không trường nào có tầm cỡ lớn như CCSF khiến việc sát nhập sẽ rất nguy hiểm, cả về lãnh vực công nhận và khả năng tồn tại về tài chánh, cho bất cứ trường nào muốn thực hiện việc này.
Tuy nhiên, dù là biện pháp gì đi nữa, nhiều quan sát viên cho rằng điều đầu tiên trường CCSF phải làm là nhìn lại cách tổ chức của mình, theo đó hiện cho nghiệp đoàn giáo sư có quá nhiều ảnh hưởng – một điều ngay cả ACCJC cũng nêu ra. Một thí dụ điển hình là trường CCSF, trong nỗ lực bảo vệ việc làm của các giáo sư, đã mở ra quá nhiều lớp học không có tín chỉ, một điều tạo việc làm cho giáo sư nhưng không thu được học phí. Bà Messner, chủ tịch nghiệp đoàn, giải thích đây là điều phản ánh “các giá trị truyền thống của San Francisco”.
Theo: Người Việt Online